Thi hành án phạt quản chế

Phạt quản chế là một hình phạt bổ sung sau khi phạm nhân hết thời hạn tù. Trình tự thủ tục thi hành án phạt quản chế như thế nào là vấn đề được nhiều người quan tâm. Luật STC sẽ tư vấn cụ thể thủ tục này trong bài viết dưới đây.

1.Thi hành án phạt quản chế là gì?
Theo khoản 10 Điều 3 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định: “Thi hành án phạt quản chế là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc người chấp hành án phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và Nhân dân địa phương theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.”

2.Thủ tục thi hành án phạt quản chế được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 112 Luật Thi hành án hình sự 2019, việc thi hành án phạt quản chế được thực hiện theo trình tự dưới đây:
Bước 1: Thông báo về hình phạt bổ sung
Hai tháng trước khi hết thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân có hình phạt bổ sung là quản chế, Giám thị trại giam có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về về kết quả chấp hành án phạt tù, hình phạt bổ sung mà phạm nhân còn phải chấp hành và thông tin cần thiết khác có liên quan cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú để chấp hành án phạt quản chế.
Bước 2: Bàn giao người bị quản chế và các giấy tờ liên quan
Khi phạm nhân có hình phạt bổ sung là quản chế chấp hành xong án phạt tù, trại giam phải giao người bị quản chế kèm theo bản sao bản án, bản sao quyết định thi hành án, giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, nhận xét kết quả chấp hành án phạt tù và tài liệu có liên quan cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú.
Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải giao ngay người đó cho Ủy ban nhân dân cấp xã để kiểm soát, giáo dục.
Bước 3: Lập hồ sơ thi hành án phạt quản chế
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận người chấp hành án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải lập hồ sơ thi hành án phạt quản chế và sao gửi các tài liệu cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án về cư trú.
Hồ sơ thi hành án phạt quản chế gồm:
– Bản sao bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;
– Bản sao quyết định thi hành án phạt tù;
– Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù;
– Biên bản giao người bị quản chế;
– Tài liệu về quá trình chấp hành án phạt tù và tài liệu khác có liên quan.
Bước 4: Lập hồ sơ kiểm soát, giáo dục người chấp hành án phạt quản chế
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được các tài liệu trên, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú có trách nhiệm triệu tập người chấp hành án và yêu cầu cam kết việc chấp hành án, lập hồ sơ kiểm soát, giáo dục người chấp hành án phạt quản chế. Hồ sơ bao gồm:
– Các tài liệu trong hồ sơ thi hành án phạt quản chế;
– Cam kết của người chấp hành án phạt quản chế;
– Nhận xét về quá trình chấp hành án phạt quản chế;
– Biên bản vi phạm nghĩa vụ của người chấp hành án (nếu có);
– Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người chấp hành án (nếu có);
– Quyết định của Tòa án về miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại (nếu có);
– Tài liệu khác có liên quan.
Bước 5: Bàn giao hồ sơ
Trước khi hết thời hạn quản chế 03 ngày hoặc trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án về miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại, Ủy ban nhân dân cấp xã bàn giao hồ sơ kiểm soát, giáo dục cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt quản chế.
Giấy chứng nhận phải gửi cho người chấp hành án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Sở Tư pháp nơi cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt quản chế có trụ sở.

3.Giải quyết trường hợp đi khỏi nơi quản chế
Đặc thù của hình phạt bổ sung phạt quản chế là giới hạn phạm vi sinh sống và chịu sự kiểm soát và giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Tuy vậy, vẫn có các trường hợp mà người chịu thi hành án vẫn được phép rời khỏi nơi quản chế. Căn cứ Điều 115 Luật thi hành án hình sự 2019 có hướng dẫn về vấn đề này.
Trường hợp có lý do chính đáng, người chấp hành án có thể được cấp giấy phép đi khỏi nơi quản chế. Thẩm quyền cấp giấy phép như sau:
-Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản chế cấp giấy phép đi lại trong phạm vi cấp huyện nơi quản chế;
-Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện cấp giấy phép đi lại trong phạm vi cấp tỉnh nơi quản chế;
-Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh cấp giấy phép đi ra ngoài phạm vi cấp tỉnh nơi quản chế.
Thời hạn: Do người cấp giấy phép quyết định tuy nhiên mỗi lần ko quá 10 ngày.
Chú ý: Trường hợp người chấp hành án phải đi chữa bệnh thì thời gian đi khỏi nơi quản chế theo thời gian điều trị của cơ sở chữa bệnh.

Mọi thắc mắc liên quan, mời Quý Khách liên hệ: Công ty Luật TNHH STC
Văn phòng tại Hà Nội: Tầng 5, Tòa nhà AC, Ngõ 78, Phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Hotline: 0988873883
Email: stclawfirm.vn@gmail.com
Website: https://stclawfirm.com/
Văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh: Landmark 81, Vinhomes Central Park, số 208 Nguyễn Hữu Cảnh và số 720A Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.