6 NGUYÊN TẮC CỦA HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI
Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Vì vậy, khi các bên hoạt động thương mại cần phải tôn trọng các nguyên tắc trong hoạt động thương mại. Tại bài này, Luật STC sẽ giới thiệu các nguyên tắc trong hoạt động thương mại tại Luật thương mại năm 2005
Luật thương mại năm 2005 đưa ra 5 nguyên tắc về hoạt động thương mại, đó là:
- Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của thương nhân trong hoạt động thương mại
- Nguyên tắc tự do, tự nguyện thoả thuận trong hoạt động thương mại
- Nguyên tắc áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại được thiết lập giữa các bên
- Nguyên tắc áp dụng tập quán trong hoạt động thương mại
- Nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng
- Nguyên tắc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại
- Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật
Thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động thương mại. Không phân biệt đó là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hay công ty cổ phần, hoặc công ty có vốn đầu tư nước ngoài, đều phải tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam về hoạt động thương mại. (Căn cứ Điều 10 Luật Thương mại 2005)
- Nguyên tắc tự do, tự nguyện thoả thuận
Trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào. Các bên có quyền tự do thoả thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó.
Cũng như quan hệ dân sự, nguyên tắc tự do, tự nguyện và tôn trọng sự thỏa thuận của các bên đều được nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó. Việc Công ty có vị thế lớn không được áp đặt, cưỡng ép hay ngăn cản các công ty nhỏ để giành lợi ích kinh tế, điều này vi phạm nguyên tắc tự do, tự nguyện và thỏa thuận trong luật thương mại.
(Căn cứ Điều 11 Luật Thương mại 2005)
- Nguyên tắc áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại được thiết lập giữa các bên
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, các bên được coi là mặc nhiên áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại đã được thiết lập giữa các bên đó mà các bên đã biết hoặc phải biết nhưng không được trái với quy định của pháp luật.
Nguyên tắc này áp dụng với các bên có mối quan hệ thương mại lâu dài, thường xuyên. Khi các bên hợp tác nhiều lần, thói quen chung được thiết lập sẽ được mặc nhiên áp dụng, miễn là thói quen được thiết lập không trái quy định pháp luật.
(Căn cứ Điều 12 Luật Thương mại 2005)
- Nguyên tắc áp dụng tập quán
Trường hợp pháp luật không có quy định, các bên không có thoả thuận và không có thói quen đã được thiết lập giữa các bên thì áp dụng tập quán thương mại nhưng không được trái với những nguyên tắc quy định trong Luật này và trong Bộ luật dân sự.
Đưa ra quy định này các nhà làm luật dự phòng đến trường hợp các bên lần đầu hợp tác, nhưng không có cách hiểu giống nhau về một số khái niệm, dẫn đến tranh chấp thì sẽ áp dụng tập quán thương mại để giải quyết.
(Căn cứ Điều 13 Luật Thương mại 2005)
- Nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng
Thương nhân thực hiện hoạt động thương mại có nghĩa vụ thông tin đầy đủ, trung thực cho người tiêu dùng về hàng hoá và dịch vụ mà mình kinh doanh và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đó. Thương nhân thực hiện hoạt động thương mại phải chịu trách nhiệm về chất lượng, tính hợp pháp của hàng hoá, dịch vụ mà mình kinh doanh.
Nếu có sự không rõ ràng trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm hàng hóa mình kinh doanh, doanh nghiệp sẽ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu thu hồi sản phẩm đang lưu thông, tiến hành xử phạm vi phạm hành chính nếu có.
Ví dụ: Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có công văn thu hồi ba loại mỹ phẩm được sản xuất tại Pháp do hai công ty chịu trách nhiệm đưa ra thị trường không trung thực về tài liệu giấy ủy quyền trong hồ sơ công bố sản phẩm. Cục Quản lý dược nêu rõ lý do thu hồi sản phẩm do hai công ty chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường nêu trên không trung thực về tài liệu giấy ủy quyền trong hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm. Việc thu hồi các sản phẩm nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Cụ thể, các sản phẩm bị đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc gồm:
1: Sản phẩm mỹ phẩm Bioderma Crealine H2O Solution Micellaire 500ml; nhà sản xuất: Naos Les Laboratoires, France; Công ty TNHH MTV XNK Thành Nam chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
2: Sản phẩm mỹ phẩm Bioderma Sebium H2O Purifying Cleansing Micellar Water 500ml/16.9 Fl.Oz; nhà sản xuất: Naos Les Laboratoires, France; Công ty TNHH MTV XNK Thành Nam chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
3: Sản phẩm mỹ phẩm Bioderma Purifying Cleansing Micelle Solution; nhà sản xuất: Laboratoires Léa, France; Công ty TNHH Đào tạo và Cung ứng dịch vụ chăm sóc gia đình chuyên nghiệp chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
Cục Quản lý dược yêu cầu sở y tế các địa phương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm nêu trên ở địa bàn ngừng ngay việc lưu thông, sử dụng, tiến hành thu hồi sản phẩm và trả về cơ sở cung ứng sản phẩm; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.
Công ty Thành Nam, Công ty TNHH đào tạo và cung ứng dịch vụ chăm sóc gia đình chuyên nghiệp gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm nêu trên; tiếp nhận sản phẩm trả về từ các cơ sở kinh doanh và tiến hành thu hồi toàn bộ sản phẩm không đáp ứng quy định.
(Căn cứ Điều 14 Luật Thương mại 2005)
- Nguyên tắc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu
Trong hoạt động thương mại, các thông điệp dữ liệu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được thừa nhận có giá trị pháp lý tương đương văn bản. (Căn cứ Điều 15 Luật Thương mại 2005)
Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử. (Căn cứ khoản 12, Điều 4 Luật giao dịch điện tử 2015)
Như vậy, việc các bên trao đổi thỏa thuận qua thư điện tử, điện thoại, ký kết hợp đồng điện tử được pháp luật thương mại thừa nhận giá trị pháp lý. Việc này giúp các bên có khoảng cách địa lý xa nhau, khi ký kết hợp đồng điện tử có giá trị tương đương văn bản giấy, giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc giữa các bên.
Mọi thắc mắc liên quan, mời Quý Khách liên hệ: Công ty Luật TNHH STC
Văn phòng tại Hà Nội: Tầng 5, Tòa nhà AC, Ngõ 78, Phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Hotline: 0988873883
Email: stclawfirm.vn@gmail.com
Website: https://stclawfirm.com/
Văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh: Landmark 81, Vinhomes Central Park, số 208 Nguyễn Hữu Cảnh và số 720A Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh