CÁC NHÓM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Chúng ta được nghe rất nhiều về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và lên án các trường hợp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tại bài viết dưới đây, Luật STC sẽ giải thích về sở hữu trí tuệ là gì, các nhóm quyền theo quy định pháp luật. Bạn đọc muốn tìm hiểu về chủ đề này, hãy cùng đón chờ các bài viết sắp tới của Luật STC nhé.

Tài sản trí tuệ là những thành quả do hoạt động trí tuệ con người tạo ra. “Sở hữu trí tuệ” được hiểu là sự sở hữu đối với những tài sản trí tuệ đó. Là các quyền xuất phát từ hoạt động trí tuệ trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học, văn học và nghệ thuật hợp pháp. Theo đó, quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm 3 nhóm chính:

– Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả;

– Quyền sở hữu công nghiệp;

– Quyền đối với giống cây trồng.

Phần dưới đây sẽ giải thích cụ thể về các nhóm quyền sở hữu trí tuệ:

  1. Quyền tác giả và quyền liên quan đến tác giả

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào. Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.

Ví dụ: nhà thơ viết 1 bài thơ. Thì bài thơ là tác phẩm văn học, nhà thơ là người có quyền tác giả với bài thơ, và nếu bài thơ được phổ nhạc, thì bài hát được dựa theo lời thơ sẽ là tác phẩm phái sinh. Một ví dụ gần gũi hơn với chúng ta là các tác phẩm văn học được chuyển thể thành phim, thì bộ phim là tác phẩm phái sinh của tác phẩm văn học đó.

Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

Quy định về bản quyền bảo vệ những “thứ hữu dụng”, nghĩa là những thứ phải được định hình ra và có thể chia sẻ nó, ví dụ bức tranh, bài thơ, bản nhạc, bài viết, ghi âm, ghi hình,….. Nhóm người được bảo vệ là những người tạo ra sản phẩm. Khi một người tạo ra một thứ gì đó, cho dù là một bản nhạc, một cuốn tiểu thuyết hay một tấm thiệp chúc mừng thông minh, tất cả đều được luật sở hữu trí tuệ bảo vệ. Người khác hoàn toàn có thể sử dụng ý tưởng tương tự nhưng họ không thể sao chép cách làm cụ thể.

(khoản 2, Điều 1, Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009)

2.Quyền sở hữu công nghiệp

Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Việc quy định về sáng chế bảo vệ “sự phát triển của khoa học”. Nhóm người được bảo vệ là các nhà sáng chế. Khi một người tạo ra cách mới để thực hiện một điều gì đó, họ có thể tuyên bố quyền sáng chế với cách làm đó. Các sáng chế chỉ tồn tại trong 20 năm và khi đó, bất cứ ai cũng có thể tạo ra một phiên bản “chung” cho sáng chế đã được cấp bằng.

Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này. Sản phẩm được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện, hoặc bộ phận dùng để lắp ráp, hợp thành các sản phẩm đó, được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập.

Mạch tích hợp bán dẫn là sản phẩm dưới dạng thành phẩm hoặc bán thành phẩm, trong đó các phần tử với ít nhất một phần tử tích cực và một số hoặc tất cả các mối liên kết được gắn liền bên trong hoặc bên trên tấm vật liệu bán dẫn nhằm thực hiện chức năng điện tử. Mạch tích hợp đồng nghĩa với IC, chip và mạch vi điện tử. Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (sau đây gọi là thiết kế bố trí) là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn.

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Nhãn hiệu giúp người tiêu dùng tránh bị “nhầm lẫn” và họ là nhóm người được bảo vệ chính chứ không phải các doanh nghiệp như mọi người vẫn nghĩ. Nhãn hiệu có thể là từ ngữ, biểu tượng hay những đặc tính có tính phân biệt giúp người tiêu dùng nhận biết được xuất xứ của sản phẩm họ mua.

Ví dụ: khi đi siêu thị, ta thấy rất nhiều các công ty phân phối sữa, nhưng ta vẫn phân biệt được sữa của nhãn hiệu Vinamilk, TH true milk, hay Ba Vì, Mộc Châu, bởi các nhãn hiệu sữa này đạt được tín nhiệm của người tiêu dùng, và có sự phổ biến nhất định với người dùng. Mỗi hãng sữa có nhưng tên gọi khác nhau, hương vị khác nhau, và tỷ lệ dinh dưỡng khác nhau, những thứ giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt nhãn hiệu sữa.

Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Khu vực kinh doanh quy định tại khoản này là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng.

Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

Ví dụ các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam là nước mắm Phú Quốc, bưởi Đoan Hùng của Phú Thọ, Vải thiều Thanh Hà của Hải Dương, nho Ninh Thuận, Chả mực Hạ Long,…. là các sản phẩm được gắn với địa danh. Đây là các sản phẩm đặc sản của địa phương đó, mà các địa phương khác rất khó bắt chước do điều kiện địa lý, khí hậu,… tạo ra đặc trưng khu vực.

Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.

Luật Sở hữu trí tuệ bảo vệ các bí mật kinh doanh và đối tượng được bảo vệ chủ yếu là những công ty có nhiều nhân viên. Việc bảo vệ bí mật kinh doanh cho phép các công ty ngăn những cựu nhân viên hoặc nhân viên đang làm việc cho họ sử dụng, bán hoặc công bố bí mật kinh doanh ra ngoài.

Ví dụ 1 thương hiệu nước giải khát nổi tiếng trên thế giới, Cocacola. Cocacola có bằng sáng chế y học về công thức pha chế , nhãn hiệu của tên Coca-Cola, nhãn hiệu và bản quyền đối với logo bằng chữ và bí mật kinh doanh của công thức ban đầu.

(khoản 2, Điều 1, Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009)

3.Quyền đối với giống cây trồng

Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu. Giống cây trồng là quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thực vật thấp nhất, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có thể nhận biết được bằng sự biểu hiện các tính trạng do kiểu gen hoặc sự phối hợp của các kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác bằng sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng có khả năng di truyền được.

Như vậy giống cây trồng được bảo hộ, phải là giống cây trồng có thể di truyền ổn định qua việc nhân giống. Ví dụ, giống lúa ST25 cho ra gạo ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua được nghiên cứu trong 20 năm, và đã được cấp văn bằng bảo hộ.

(khoản 2, Điều 1, Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009)

Mọi thắc mắc liên quan, mời Quý Khách liên hệ: Công ty Luật TNHH STC

Văn phòng tại Hà Nội: Tầng 5, Tòa nhà AC, Ngõ 78, Phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Hotline: 0988873883

Email: stclawfirm.vn@gmail.com

Website: https://stclawfirm.com/

Văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh: Landmark 81, Vinhomes Central Park, số 208 Nguyễn Hữu Cảnh và số 720A Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.