HỢP ĐỒNG TRAO ĐỔI TÀI SẢN
Khi quá trình sản xuất và tiêu dùng ngày càng tăng, con người tham gia vào càng nhiều các giao dịch dân sự như mua bán, vay, mượn, trao đổi… Là một trong những hình thức giao dịch phổ biến, Hợp đồng trao đổi tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành cũng có những đặc thù nhất định.
1.Khái niệm
Căn cứ khoản 1 Điều 455 Bộ luật dân sự 2015 định nghĩa hợp đồng trao đổi tài sản như sau: “Hợp đồng trao đổi tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó các bên giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau.”
Hợp đồng trao đổi tài sản là hợp đồng nhằm chuyển giao quyền sở hữu tài sản. Thông thường, hợp đồng mua bán tài sản là dùng tiền để mua tài sản, còn hợp đồng trao đổi tài sản là dùng tài sản đổi lấy tài sản.
2.Đặc điểm của hợp đồng trao đổi tài sản
-Là hợp đồng song vụ: Thể hiện ở điểm các bên trong hợp đồng trao đổi đều có quyền và nghĩa vụ với bên kia.
-Là hợp đồng có đền bù: hợp đồng là sự trao đổi tài sản và quyền sở hữu tài sản của các bên cho nhau. Các tài sản đem trao đổi là lợi ích mà các bên hướng tới. Khi một bên nhận được lợi ích (tài sản) thì phải chuyển cho bên kia một lợi ích (tài sản) khác.
3.Quyền và nghĩa vụ của các bên
Trong hợp đồng trao đổi tài sản, mỗi bên đều được coi là người mua và người bán. Do vậy, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ được xác định theo hợp đồng mua bán tài sản. Căn cứ khoản 4 Điều 455 Bộ luật dân sự 2015:
“Mỗi bên đều được coi là người bán đối với tài sản giao cho bên kia và là người mua đối với tài sản nhận về. Các quy định về hợp đồng mua bán từ Điều 430 đến Điều 439, từ Điều 441 đến Điều 449 và Điều 454 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng trao đổi tài sản.”
Bên cạnh đó các quyền và nghĩa vụ còn được bổ sung bởi những quy định đặc thù riêng của hợp đồng trao đổi tài sản riêng được nêu ở phần 4 dưới đây.
4.Một số quy định đặc thù đối với hợp đồng trao đổi tài sản
– Về hình thức: Hợp đồng trao đổi tài sản phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực hoặc đăng ký, nếu pháp luật có quy định ( khoản 2 Điều 455 Bộ luật dân sự 2015)
– Trường hợp một bên trao đổi cho bên kia tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình hoặc không được chủ sở hữu ủy quyền thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. ( khoản 3 Điều 455 Bộ luật dân sự 2015)
-Thanh toán giá trị chênh lệch: Trường hợp tài sản trao đổi chênh lệch về giá trị thì các bên phải thanh toán cho nhau phần chênh lệch đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác ( Điều 456 Bộ luật dân sự 2015)
Mọi thắc mắc liên quan, mời Quý Khách liên hệ: Công ty Luật TNHH STC
Văn phòng tại Hà Nội: Tầng 5, Tòa nhà AC, Ngõ 78, Phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Hotline: 0988873883
Email: stclawfirm.vn@gmail.com
Website: https://stclawfirm.com/
Văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh: Landmark 81, Vinhomes Central Park, số 208 Nguyễn Hữu Cảnh và số 720A Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.