Biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh
Biện pháp tư pháp này được coi là sự nhân đạo của Nhà nước đối với người phạm tội. Mặc dù là đối tượng đã vi phạm pháp luật nhưng khi họ mắc bệnh tâm thần hay các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hay khả năng điều khiển hành vi thì yêu cầu trước tiên được đặt ra với họ là áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh.
1.Bắt buộc chữa bệnh là gì?
Là biện pháp tư pháp quy định tại Điều 49 Bộ luật hình sự 2015 cụ thể:
“Điều 49. Bắt buộc chữa bệnh
1. Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
2. Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
3. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.
Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.”
Như vậy, khi các đối tượng mắc bệnh tâm thần hoặc bênh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình dữa trên kết luận của giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần họ có thể được đi điều trị ở một cơ sở chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
Có 2 lưu ý quan trọng: -Sau khi chữa khỏi bệnh, đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù.
-Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.
2.Thủ tục thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh
2.1Thẩm quyền đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh
Tùy thuộc vào giai đoạn của vụ án mà có sự thay đổi về thẩm quyền đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Cụ thể hơn được quy định tại khoản 1 Điều 136 Luật thi hành án hình sự 2019
-Cơ quan đang thụ lý giải quyết vụ án trong giai đoạn điều tra có quyền đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp;
-Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh trong giai đoạn thi hành án có quyền đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu nơi phạm nhân chấp hành án.
2.2 Hồ sơ đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh
Trách nhiệm lập hồ sơ thuộc về cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Hồ sơ bao gồm:
-Quyết định của Viện kiểm sát hoặc Tòa án về áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh;
-Kết luận của Hội đồng giám định pháp y tâm thần;
-Lý lịch cá nhân của người chấp hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh;
-Tài liệu khác có liên quan.
Trường hợp Viện kiểm sát, Tòa án tự mình quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh thì Viện kiểm sát, Tòa án đã ra quyết định có trách nhiệm lập hồ sơ và đề nghị cơ quan đang thụ lý giải quyết vụ án trong giai đoạn điều tra hoặc trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trong giai đoạn thi hành án đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh.
2.3 Đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh
– Ngay sau khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, cơ quan đang giải quyết vụ án trong giai đoạn điều tra hoặc trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trong giai đoạn thi hành án có nhiệm vụ giao người bị bắt buộc chữa bệnh và hồ sơ kèm theo cho cơ sở chữa bệnh tâm thần được chỉ định theo quyết định của Viện kiểm sát hoặc quyết định của Tòa án, đồng thời sao gửi quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
– Cơ sở chữa bệnh tâm thần được Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ định có trách nhiệm tiếp nhận người bị bắt buộc chữa bệnh và hồ sơ kèm theo, lập biên bản giao nhận. Cơ quan có trách nhiệm đưa người vào cơ sở chữa bệnh tâm thần phải thông báo cho gia đình hoặc thân nhân của người bị bắt buộc chữa bệnh về nơi người đó đang chữa bệnh.
3. Tổ chức điều trị cho người bị bắt buộc chữa bênh
– Cơ sở chữa bệnh tâm thần có trách nhiệm quản lý, tổ chức điều trị bệnh cho người bị bắt buộc chữa bệnh và không được phân biệt đối xử.
-Trong thời gian bắt buộc chữa bệnh, thân nhân của người bị bắt buộc chữa bệnh được gặp và phối hợp chăm sóc người bị bắt buộc chữa bệnh và phải chấp hành đúng quy định về thăm gặp, chăm sóc của cơ sở chữa bệnh tâm thần.
-Trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh bỏ trốn, cơ sở chữa bệnh tâm thần phải lập biên bản và thông báo ngay cho cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh và gia đình của người đó biết để phối hợp truy tìm, đưa người đó trở lại cơ sở chữa bệnh tâm thần.
Về kinh phí chữa bệnh: Do cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh hoặc Viện kiểm sát, Tòa án tự mình quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước.
Mọi thắc mắc liên quan, mời Quý Khách liên hệ: Công ty Luật TNHH STC
Văn phòng tại Hà Nội: Tầng 5, Tòa nhà AC, Ngõ 78, Phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Hotline: 0988873883
Email: stclawfirm.vn@gmail.com
Website: https://stclawfirm.com/
Văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh: Landmark 81, Vinhomes Central Park, số 208 Nguyễn Hữu Cảnh và số 720A Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.