Chuẩn bị đao, kiếm trả thù nhóm “giật đồ cúng cô hồn”. Hành vi chuẩn bị phạm tội và trách nhiệm pháp lý
Cúng cô hồn là phong tục của người dân nhiều vùng miền khi vào tháng 7 âm lịch. Dù vậy, có không ít vi phạm an ninh trật tự xã hội phát sinh từ phong tục này. Như mới đây, theo thông tin báo chí chia sẻ (Chuẩn bị đao, kiếm trả thù nhóm ‘giật đồ cúng cô hồn’ -vnexpress.net), tại một quán bar ở quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra sự việc nhân viên của quán này có hành vi chuẩn bị đao, kiếm để “trả thù” sau sự việc gây hấn, đánh nhau từ việc “giật đồ cúng cô hồn”. Luật STC nhận được câu hỏi hành vi của các đối tượng có phạm tội chưa đạt? Luật STC giải đáp như sau:
- Hành vi đó có vi phạm pháp luật không?
Căn cứ các tình tiết sự việc bài báo đề cập, Luật STC xác định các đối tượng trong vụ việc có dấu hiệu phạm tội chưa đạt theo quy định tại Điều 15 Bộ luật hình sự 2015, cụ thể:
“Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.
Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.”
Và Điều 318 Bộ luật hình sự 2015 quy định:
“1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Có tổ chức;
+ Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
+ Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
+ Xúi giục người khác gây rối;
+ Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
+ Tái phạm nguy hiểm.
…………………………..”
Như vậy, hành vi của các đối tượng có dấu hiệu thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt của Tội gây rối trật tự công cộng. Do đó các đối tượng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.

- Quyết định hình phạt đối với phạm tội chưa đạt như thế nào?
Đối với hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật hình sự 2015 về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.
Cụ thể hơn, tại khoản 3 Điều 57 Bộ luật hình sự 2015 quy định: “Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”
Như vậy mức phạt tối đa mà các đối tượng thực hiện hành vi trên có thể gánh chịu với một hành vi là phạt tù trong thời hạn: 12 tháng x ¾ x 7 = 63 tháng. Tùy vào tình tiết, tính chất cụ thể của vụ án và từng đối tượng khi được các cơ quan tố tụng điều tra làm rõ, mức phạt có thể điều chỉnh tăng nặng hoặc giảm nhẹ.
Trên đây là giải đáp cơ bản của Luật STC. Mọi thắc mắc liên quan, mời Quý Khách liên hệ: Công ty Luật TNHH STC
Văn phòng tại Hà Nội: Tầng 5, Tòa nhà AC, Ngõ 78, Phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Hotline: 0988873883
Email: stclawfirm.vn@gmail.com
Website: https://stclawfirm.com/
Văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh: Landmark 81, Vinhomes Central Park, số 208 Nguyễn Hữu Cảnh và số 720A Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.