Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự theo quy định của pháp luật
Trong một số vụ án, khi tội phạm được thực hiện phát sinh cùng lúc quan hệ pháp luật hình sự và quan hệ pháp luật dân sự. Để tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết vấn đề bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động tố tụng hình sự, bảo đảm việc giải quyết vụ án hình sự được nhanh chóng, kịp thời, toàn diện, bảo đảm quyền và lợi ích của những người tham gia tố tụng, bài viết dưới đây phân tích những quy định của pháp luật hiện hành về giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.
1.Nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự
Đây là nguyên tắc mới được bổ sung vào Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) và là nguyên tắc cơ bản trong pháp luật hình sự. Theo đó, Điều 30 BLTTHS quy định như sau: “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”.
Vấn đề dân sự trong vụ án hình sự bao gồm việc đòi trả lại tài sản bị chiếm đoạt, đòi bồi thường giá trị tài sản do bị can, bị cáo chiếm đoạt nhưng bị mất, hoặc bị hủy hoại, buộc phải sửa chữa tài sản bị hư hỏng, đòi bồi thường thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại do tài sản bị chiếm đoạt; đòi bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần do tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

2.Thẩm quyền giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự ở giai đoạn xét xử sơ thẩm
BLTTHS không có riêng điều luật quy định về thẩm quyền giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Pháp luật không quy định việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được thực hiện ở giai đoạn nào trong quá trình tố tụng mà chỉ quy định việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành “cùng” với việc giải quyết vụ án hình sự.
Như vậy, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng cùng lúc giải quyết các vấn đề hình sự và các vấn đề dân sự. Giai đoạn xét xử sơ thẩm thì cần xác định chỉ có Tòa án là chủ thể duy nhất có thẩm quyền giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự bởi vì xét xử là chức năng đặc thù của Tòa án. Tòa án sẽ xét xử toàn bộ nội dung vụ án.
Trước khi ra bản án, Hội đồng xét xử phải xem xét, giải quyết các vấn đề có liên quan đến quyền lợi của chủ thể bị thiệt hại (bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi liên quan), xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ thể phải có nghĩa vụ bồi thường (bị cáo, bị đơn dân sự, người có nghĩa vụ liên quan).
3. Cơ sở phát sinh việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự
Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự phải được thực hiện với tư cách là quyền yêu cầu của người tham gia tố tụng, chỉ phát sinh khi có yêu cầu từ phía bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và viện kiểm sát. Trên thực tế xét xử vụ án hình sự ở giai đoạn sơ thẩm, Tòa án thông thường sẽ giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự mặc dù người gia tố tụng không có yêu cầu giải quyết.
Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”. Do vậy, thời hạn để bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và viện kiểm sát yêu cầu giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là 03 (ba) năm.
4. Trình tự, thủ tục giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự
BLTTHS không quy định cụ thể trình tự, thủ tục giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Do vấn đề dân sự được giải quyết đồng thời với vụ án hình sự, vì vậy, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự sẽ tuân theo trình tự, thủ tục giải quyết vụ án hình sự.
Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự có điểm giống và khác so với thủ tục giải quyết vụ án dân sự:
- Thứ nhất, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, nghĩa vụ chứng minh, thu thập chứng cứ thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Người có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại được sử dụng kết quả đó của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự mà không cần phải chứng minh mức độ thiệt hại hoặc giá trị tài sản.
- Thứ hai, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự không có thủ tục hòa giải. BLTTHS không quy định về thủ tục hòa giải tại Tòa án để các bên hòa giải, thương lượng với nhau. Trường hợp họ tự thỏa thuận được với nhau và nội dung thỏa thuận không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội thì Tòa án cũng không ra quyết định công nhận sự thỏa thuận này.
Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự cho phép áp dụng pháp luật dân sự và tố tụng dân sự để điều chỉnh quan hệ bồi thường thiệt hại, bồi hoàn.
Trên đây là bài viết mang tính tham khảo do Luật STC biên soạn. Nếu cần tư vấn thêm, quý khách hàng vui lòng gọi qua hotline: 024 32000536 để được tư vấn thêm.