Những thay đổi của Công ty cổ phần theo Luật doanh nghiệp 2020
Luật Doanh nghiệp 2020 (LDN) ra đời thay thế Luật Doanh nghiệp 2014 đã có những thay đổi nhằm phù hợp hơn với tình hình kinh tế cũng như xu thế phát triển của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Bài viết làm rõ những bổ sung, những điểm mới của Công ty cổ phần từ luật mới so với luật cũ.
1. Quyền và nghĩa vụ của cổ đông
Theo quy định tại khoản 2 Điều 115 LDN thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại điều lệ công ty có một số quyền như: Xem xét biên bản, nghị quyết, quyết định, báo cáo tài chính của Hội đồng quản trị (HĐQT),.. thay vì ở mức từ 10% như trước.
Tuy nhiên, quyền đề cử người vào HĐQT, ban kiểm soát vẫn được quy định ở mức từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại điều lệ công ty giống như LDN 2014.
Ngoài ra, Luật mới còn bổ sung bổ sung thêm nghĩa vụ của cổ đông phổ thông (theo khoản 5 Điều 119 LDN 2020), bao gồm:
– Bảo mật các thông tin được công ty cung cấp theo quy định tại điều lệ công ty và pháp luật;
– Chỉ sử dụng thông tin được cung cấp để thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
– Nghiêm cấm phát tán hoặc sao, gửi thông tin được công ty cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác.
2. Không được chào bán cổ phần riêng lẻ qua phương tiện thông tin đại chúng
Khoản 1 Điều 125 LDN 2020 quy định điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ không phải là công ty đại chúng, cụ thể:
– Không chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng;
Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, LDN 2020 bổ sung thêm trường hợp cổ đông và người nhận chuyển quyền ưu tiên mua không hết thì số cổ phần còn lại được bán cho người khác theo phương án chào bán cổ phần riêng lẻ với điều kiện không thuận lợi hơn so với điều kiện chào bán cho các cổ đông, trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) có chấp thuận khác.
3. Đổi tên Ban kiểm toán thành Uỷ ban kiểm toán
Theo quy định mới, công ty cổ phần có thể thành lập theo mô hình: ĐHĐCĐ, HĐQT và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên HĐQT phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc HĐQT (theo điểm b khoản 1 Điều 137 LDN 2020).
Như vậy so với LDN 2014, Ban kiểm toán đã được đổi tên thành Uỷ ban kiểm toán.
Bên cạnh đó, LDN 2020 cũng quy định chi tiết cơ cấu, chức năng, quyền và nghĩa vụ của Uỷ ban kiểm toán tại Điều 161.
4. Ngưỡng biểu quyết chỉ còn trên 50%
Theo khoản 1 Điều 145 LDN 2020, cuộc họp ĐHĐCĐ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định.
Như vậy thay vì con số ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết tại LDN 2014, nay cổ đông hoặc nhóm cổ đông chỉ cần sở hữu tổng số phiếu biểu quyết là trên 50% thì sẽ có quyền triệu tập cuộc họp và thông qua nghị quyết của ĐHĐCĐ (trừ một số trường hợp quy định tại các khoản 1, 3, 4 và 6 Điều 148 LDN 2020).
5. Biên bản họp ĐHĐCĐ vẫn có hiệu lực nếu chủ toạ và thư ký không ký
Trước đây, điểm i khoản 1 Điều 146 LDN 2014 yêu cầu biên bản họp ĐHĐCĐ phải có chữ ký của chủ toạ và thư ký.
Tuy nhiên, ngoại lệ có trường hợp chủ tọa và thư ký từ chối nhưng biên bản họp ĐHĐCĐ vẫn có hiệu lực, nội dung này được quy định rõ tại điểm i khoản 1 Điều 150 LDN 2020 như sau:
“1. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông phải được ghi biên bản và có thể ghi âm hoặc ghi và lưu giữ dưới hình thức điện tử khác. Biên bản phải lập bằng tiếng Việt, có thể lập thêm bằng tiếng nước ngoài và có các nội dung chủ yếu sau đây:
…
i) Họ, tên, chữ ký của chủ tọa và thư ký.
Trường hợp chủ tọa, thư ký từ chối ký biên bản họp thì biên bản này có hiệu lực nếu được tất cả thành viên khác của Hội đồng quản trị tham dự họp ký và có đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản này. Biên bàn họp ghi rõ việc chủ tọa, thư ký từ chối ký biên bản họp”.
6. Quyền khởi kiện của cổ đông, nhóm cổ đông
Theo khoản 1 Điều 166 LDN 2020, cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần phổ thông có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới đối với các thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để yêu cầu hoàn trả lợi ích hoặc bồi thường thiệt hại cho công ty hoặc người khác trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 166 LDN 2020.
So với quy định mới, quy định cũ tại LDN 2014 có phần bị hạn chế hơn khi mà cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục 06 tháng thì mới có quyền khởi kiện.
7. Tăng thêm quyền hạn cho đại hội đồng cổ đông
Ngoài những quy định cũ, ĐHĐCĐ được tăng thêm một số quyền hạn đáng kể mà LDN 2014 không đề cập đến như:
– Quyết định ngân sách hoặc tổng mức thù lao, thưởng và lợi ích khác cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát;
– Phê duyệt quy chế quản trị nội bộ; quy chế hoạt động Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát;
– Phê duyệt danh sách công ty kiểm toán độc lập; quyết định công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm tra hoạt động của công ty, bãi miễn kiểm toán viên độc lập khi xét thấy cần thiết.
Trên đây là một số thay đổi của Công ty cổ phần của Luật doanh nghiệp 2020 so với Luật doanh nghiệp 2014.