NHỮNG TRƯỜNG HỢP PHẢI CHỈ ĐỊNH NGƯỜI BÀO CHỮA

Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa. Vậy chỉ định người bào chữa được quy định như thế nào?

  1. Các trường hợp phải chỉ định người bào chữa:

Quy định tại Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, trong những trường hợp sau nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:

  1. a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;
  2. b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.
  3. Tổ chức có trách nhiệm cử người bào chữa.

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các trường hợp nêu trên gồm:

  1. a) Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa;
  2. b) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý;
  3. c) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.

Quy định trên đã được hướng dẫn chi tiết tại Điều 5 của Thông tư số 46/2019/TT-BCA, ngày 10 tháng 10 năm 2019 của Bộ Công an quy định trách nhiệm của lực lượng công an nhân dân trong thực hiện các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.

Liên hệ số Hotline 0988873883 của Luật STC để được luật sư tư vấn miễn phí.