Pháp nhân thương mại có phải thi hành án hình sự?
Thi hành án hình sự với pháp nhân thương mại phạm tội là một vấn đề mới được đưa vào Luật thi hành án hình sự 2019. Với đặc thù chủ thể và các hình phạt riêng biệt so với cá nhân phạm tội, Luật thi hành án hình sự 2019 dành riêng Chương XI quy định về đối tượng này. Luật STC sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu một số khái niệm cơ bản trong Thi hành án hình sự với pháp nhân thương mại.
1. Pháp nhân thương mại chấp hành bản án
Căn cứ khoản 20 Điều 3 Luật thi hành án hình sự 2019: “Pháp nhân thương mại chấp hành án là pháp nhân thương mại bị kết án, phải chịu hình phạt, biện pháp tư pháp theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.”
2. Thi hành một số hình phạt của pháp nhân thương mại
Tương xứng với các hình phạt của pháp nhân thương mại trong Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, trong lĩnh vực thi hành án cũng đưa ra các khái niệm thi hành án với từng hình phạt:
-Thi hành hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc pháp nhân thương mại chấp hành án phải tạm dừng hoạt động đối với ngành, nghề trong một hoặc một số lĩnh vực bị đình chỉ hoạt động có thời hạn theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
-Thi hành hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc pháp nhân thương mại chấp hành án phải chấm dứt ngay hoạt động đối với ngành, nghề trong một hoặc một số lĩnh vực bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hoặc toàn bộ hoạt động bị đình chỉ vĩnh viễn theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
-Thi hành hình phạt cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc pháp nhân thương mại chấp hành án không được tiếp tục kinh doanh, hoạt động đối với ngành, nghề trong lĩnh vực bị cấm trong thời hạn theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
-Thi hành hình phạt cấm huy động vốn là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc pháp nhân thương mại chấp hành án không được thực hiện một hoặc một số hình thức huy động vốn trong thời hạn bị cấm theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
3. Cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành án
Trong quá trình thi hành án của pháp nhân thương mại phạm tội, sẽ có 02 nhóm cơ quan đặc thù tham gia mà chúng ta cần phân biệt được.
Nhóm 1: Cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại chấp hành án
Khái niệm căn cứ khoản 24 Điều 3 Luật thi hành án hình sự 2019: “ Cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại chấp hành án là cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đăng ký, cấp giấy phép, chấp thuận cho pháp nhân thương mại hoạt động, giám sát, theo dõi pháp nhân thương mại hoạt động được cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền yêu cầu thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ để bảo đảm thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại chấp hành án.”
Với đặc thù chủ thể và các loại hình phạt như: đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn thì rõ ràng cần có sự can thiệp quản lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nghĩa vụ thực thi để đảm bảo các hình phạt được thực hiện. Cơ quan Nhà nước tham gia hoạt động thi hành án ở nhóm này phụ thuộc vào bản án, quyết định thi hành án và sự thành lập, hoạt động của pháp nhân thương mại. Cụ thể hơn là cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đăng ký, cấp giấy phép, chấp thuận cho pháp nhân thương mại hoạt động, giám sát, theo dõi pháp nhân thương mại hoạt động.
Nhóm 2: Cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành án
Đây là nhóm cơ quan được giao nhiệm vụ trong lĩnh vực thi hành án chuyện biệt, không phụ thuộc hay liên quan đến lĩnh vực hoạt động kinh doanh của pháp nhân thương mại phạm tội phải chấp hành án. Các cơ quan này được quy định tại Điều 158 Luật thi hành án hình sự 2019 như sau:
“Điều 158. Cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành án
1. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp quy định tại các điều 78, 79, 80, 81 và điểm b, điểm c khoản 1 Điều 82 của Bộ luật Hình sự theo quy định của Luật này.
2. Cơ quan thi hành án dân sự thi hành hình phạt tiền quy định tại Điều 77, biện pháp tư pháp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 82 của Bộ luật Hình sự theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.”
4. Quyền và nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án
Quyền của pháp nhân thương mại chấp hành án bao gồm:
-Được thông báo về việc thi hành án;
-Được nhận các quyết định liên quan trong quá trình chấp hành án;
-Được khiếu nại về thi hành án;
-Được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp theo quy định của Luật này;
-Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án bao gồm:
-Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; quyết định, yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án;
-Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan thi hành án hình sự;
-Công bố và niêm yết công khai quyết định thi hành án; thông báo việc chấp hành hình phạt và biện pháp tư pháp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Luật này;
-Báo cáo cơ quan thi hành án hình sự về việc chấp hành án.
Mọi thắc mắc liên quan, mời Quý Khách liên hệ: Công ty Luật TNHH STC
Văn phòng tại Hà Nội: Tầng 5, Tòa nhà AC, Ngõ 78, Phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Hotline: 0988873883
Email: stclawfirm.vn@gmail.com
Website: https://stclawfirm.com/
Văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh: Landmark 81, Vinhomes Central Park, số 208 Nguyễn Hữu Cảnh và số 720A Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.