Sửa nhà có phải xin giấy phép xây dựng không?
Khi sửa chữa nhà cửa, tùy từng trường hợp mà chủ sở hữu nhà ở phải xin phép cơ quan có thẩm quyền hay không cần xin phép.
1. Quy định pháp luật về Giấy phép xây dựng
Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình (Khoản 17 Điều 3 Luật xây dựng)
Giấy phép xây dựng gồm 2 loại:
+ Giấy phép xây dựng có thời hạn là giấy phép xây dựng cấp cho xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ được sử dụng trong thời hạn nhất định theo kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng.
+ Giấy phép xây dựng theo giai đoạn là giấy phép xây dựng cấp cho từng phần của công trình hoặc từng công trình của dự án khi thiết kế xây dựng của công trình hoặc của dự án chưa được thực hiện xong.
2. Sửa nhà có cần xin Giấy phép xây dựng không?
Việc sửa chữa nhà cửa sẽ tuân theo quy định tại điểm g, khoản 2, điều 89 Luật xây dựng:
“g) Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình;”
Căn cứ theo khoản 1 và khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng, trước khi khởi công sửa chữa nhà ở, chủ đầu tư phải có giấy phép sữa chữa, cải tạo, trừ 02 trường hợp sau:
– Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình.
– Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc.
Như vậy theo quy định luật xây dựng, khi sửa chữa nhà ở mà không thuộc 02 trường hợp trên phải làm thủ tục đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.