Thi hành án phạt cải tạo không giam giữ

Cải tạo không giam giữ giúp cho người phải thi hành án vẫn có thể tham gia hòa nhập với cộng đồng và làm việc trong xã hội. Là một trong những án phạt phổ biến, các điều khoản hướng dẫn trình tự, thủ tục của việc thi hành án phạt cải tạo không giam giữ được quy định chi tiết trong Luật thi hành án 2019.

  1. Thi hành án phạt cải tạo không giam giữ là gì?

Khái niệm này được quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật thi hành án 2019 như sau:

“8. Thi hành án phạt cải tạo không giam giữ là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này giám sát, giáo dục người chấp hành án tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập; khấu trừ một phần thu nhập sung quỹ nhà nước, giám sát việc thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.”

  1. Quy trình thi hành án phạt cải tạo không giam giữ

Về quy trình thi hành án phạt cải tạo không giam giữ được quy định tại Điều  97 Luật thi hành án hình sự 2019.

Bước 1: Triệu tập người chấp hành án

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, cơ quan thi hành án hình sự phải triệu tập người chấp hành án, người đại diện trong trường hợp người chấp hành án là người dưới 18 tuổi đến trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú, đơn vị quân đội nơi người đó làm việc để cam kết việc chấp hành án.

Người chấp hành án, người đại diện của người chấp hành án phải có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.

Trường hợp người chấp hành án không có mặt theo giấy triệu tập hoặc không cam kết thì cơ quan thi hành án hình sự lập biên bản vi phạm nghĩa vụ.

Bước 2: Lập hồ sơ thi hành án

Khi nhận được quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu lập hồ sơ thi hành án và sao gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án.

Hồ sơ bao gồm các giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 97 Luật thi hành án hình sự 2019:

– Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;

– Quyết định thi hành án;

– Cam kết của người chấp hành án. Đối với người chấp hành án là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì bản cam kết của người đó phải có xác nhận của người đại diện;

– Tài liệu khác có liên quan.

Bước 3: Lập hồ sơ giám sát, giáo dục người chấp hành án

Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày triệu tập người chấp hành án, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án phải lập hồ sơ giám sát, giáo dục người chấp hành án.

Hồ sơ bao gồm các giấy tờ quy định tại khoản 3 Điều 97 Luật thi hành án hình sự 2019:

– Các tài liệu trong hồ sơ thi hành án;

– Bản nhận xét của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục về việc chấp hành nghĩa vụ của người chấp hành án;

– Bản tự nhận xét của người chấp hành án về việc thực hiện nghĩa vụ chấp hành pháp luật; trường hợp người chấp hành án bị kiểm điểm thì phải có bản kiểm điểm và biên bản cuộc họp kiểm điểm;

– Trường hợp được giảm thời hạn chấp hành án, miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ thì phải có quyết định của Tòa án;

– Tài liệu khác có liên quan.

Bước 4: Bàn giao hồ sơ, cấp giấy chứng nhận

Trước khi hết thời gian chấp hành án 03 ngày, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục bàn giao hồ sơ giám sát, giáo dục cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.

Vào ngày cuối cùng của thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cơ quan thi hành án hình sự phải cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ.

Giấy chứng nhận phải gửi cho người chấp hành án, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở.

 

Mọi thắc mắc liên quan, mời Quý Khách liên hệ: Công ty Luật TNHH STC

Văn phòng tại Hà Nội: Tầng 5, Tòa nhà AC, Ngõ 78, Phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Hotline: 0988873883

Email: stclawfirm.vn@gmail.com

Website: https://stclawfirm.com/

Văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh: Landmark 81, Vinhomes Central Park, số 208 Nguyễn Hữu Cảnh và số 720A Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.