Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

So với Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, Bộ luật hình sự hiện hành (BLHS 2015) đã lần đầu tiên quy định pháp nhân thương mại là chủ thế của tội phạm. Tuy nhiên khi nào pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp cho người đọc về vấn đề này.

1.Khái niệm pháp nhân thương mại

Pháp nhân thương mại được quy định tại Điều 75 của Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó, pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

Như vậy, pháp nhân thương mại có các đặc điểm:

  • Có đặc điểm của một pháp nhân. Pháp nhân thương mại có đủ các điều kiện sau đây
  • Được thành lập theo quy định của pháp luật;
  • Có cơ cấu tổ chức rõ ràng: Có cơ quan điều hành (Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân) và cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật;
  • Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
  • Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập;
  • Tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

2. Điều kiện pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự

Điều 75 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:

1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;

b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;

c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;

d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.

2. Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.

Vậy pháp nhân thương mại phạm tội khi thỏa mãn các điều kiện sau:

Thứ nhất, hành vi phạm tội thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại

Hành vi phạm tội do một người hoặc một số người được pháp nhân thương mại giao hoặc ủy quyền thực hiện một nhiệm vụ nào đó và khi thực hiện họ nhân danh pháp nhân thương mại đó.

Thứ hai, hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại

Điều kiện xảy ra khi một người hoặc một số người thực hiện hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại giao hoặc uỷ quyền đều vì lợi ích của pháp nhân thương mại chứ không vì lợi ích cá nhân của họ.

Tuy nhiên, nếu trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội họ lại lợi dụng pháp nhân thương mại để thực hiện thêm hành vi vì lợi ích cá nhân thì chỉ hành vi nào vì lợi ích của pháp nhân thương mại mới buộc pháp nhân thương mại phải chịu, còn hành vi nào vượt ra ngoài lợi ích của pháp nhân thương mại mà vì lợi ích cá nhân họ thì họ phải chịu.

Thứ ba, hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại

Hành vi phạm tội của một hoặc một số người phải có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại. Sự chỉ đạo điều hành thể hiện ở sự chỉ đạo của những người đứng đầu hoặc của một tập thể pháp nhân thương mại như: Giám đốc, Tổng giám đốc, Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc của công ty.

Ngoài sự chỉ đạo, điều hành của những người nhân danh pháp nhân thương mại còn có trường hợp tuy không có sự chỉ đạo, điều hành nhưng lại có sự chấp thuận của những người đứng đầu pháp nhân thương mại thì hành vi phạm tội cũng là hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại.

Thứ tư, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật hình sự năm 2015 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự  pháp nhân thương mại tuỳ thuộc vào tội phạm thực hiện:

  • 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng
  • 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng 
  • 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng
  • 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng

Cũng như đối với người phạm tội, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự như trên, chủ thể tội phạm này lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với người phạm tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Khi áp dụng các điều kiện chịu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội cần chú ý: Việc xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Nếu hành vi của cá nhân đủ yếu tố cấu thành bất kì tội nào quy định trong Bộ luật hình sự thì cá nhân đó vẫn bị xử lý hình sự theo tội đó.

3. Chỉ xử lý hình sự pháp nhân thương mại đối với một số tội theo quy định

Pháp nhân thương mại tuy là chủ thể của tội phạm, nhưng không phải là chủ thể của tất cả các tội phạm quy định trong Bộ luật hình sự. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự một số tội phạm có liên quan trực tiếp đến hoạt động của pháp nhân thương mại. Cụ thể, pháp nhân thương mại chỉ bị xử lý hình sự đối với 33 tội theo quy định tại Điều 76 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Trên đây là những quy định của pháp luật hình sự hiện hành về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Nếu cần tư vấn thêm, quý khách vui lòng gọi điện đến hotline: 024 32000536 hoặc 0915678851 để được tư vấn.