Các trường hợp xây nhà không cần xin Giấy phép xây dựng từ năm 2021

Từ 01/01/2021, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 có hiệu lực sẽ bổ sung trường hợp xây nhà ở không phải xin giấy phép xây dựng.
Theo quy định cũ tại điểm k khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014, trường hợp không phải xin giấy phép xây dựng gồm:
”Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa.”
Căn cứ Điều 89 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, từ năm 2021, trường hợp nhà ở riêng lẻ không cần xin giấy phép xây dựng như sau:
  • Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư xây dựng công trình trong trường hợp này không cần xin giấy phép xây dựng nhưng có trách nhiệm gửi thông báo thời điểm khởi công xây dựng, hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương để quản lý.
  • Nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa.
  • Nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng, trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa.
Nguồn: LuatVietNam

Những điều cần biết khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất

Khi Nhà nước thu hồi đất, người dân nên nắm rõ những loại tiền đền bù, cách tính tiền bồi thường về nhà ở, cây trồng để không bị thiệt.

1. Giá đền bù đất không theo giá thị trường

Căn cứ Điểm đ Khoản 4 Điều 114 Luật Đất đai 2013, tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất được tính theo giá đất cụ thể do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định. So với giá thị trường thì giá đất cụ thể thấp hơn nhiều.

2. Nắm rõ cách tính tiền bồi thường về nhà ở, cây trồng

Các phương án bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất như sau: Bồi thường bằng giá trị xây mới nhà cửa, công trình nếu gắn liền với đất phải tháo dỡ toàn bộ.
Bồi thường theo thiệt hại thực tế khi tháo dỡ một phần mà phần còn lại phần còn lại của nhà ở, công trình vẫn đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.

3. Khi nào bồi thường bằng tiền, khi nào bồi thường bằng đất

Trường hợp không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì phương án bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở. Nếu không có nhu cầu bồi thường bằng đất, hoặc nhà thì có thể nhận tiền.
Trường hợp còn đất ở, nhà ở trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì nếu không có quỹ đất thì bồi thường bằng đất ở hoặc không thì bồi thường bằng tiền.

4. Bồi thường khi không có giấy tờ về quyền sử dụng đất

Khoản 1 Điều 13 Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định rõ khi Nhà nước thu hồi đất mà người sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP mà đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điều 101 và Điều 102 của Luật Đất đai, các Điều 20, 22, 23, 25, 27 và 28 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì được bồi thường về đất.

5. Khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất

Căn cứ Khoản 83 Luật Đất đai 2013, ngoài việc được bồi thường về đất, nhà ở thì người bị thu hồi còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ:
– Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất.
– Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở.
– Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở.

Chi phí làm sổ đỏ hết bao nhiêu?

Thủ tục làm sổ đỏ (Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở) là một trong những vấn đề khiến nhiều người lo ngại khi thực hiện, đặc biệt là vấn đề chi phí. Theo đó, người thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ phải nộp các khoản tiền sau: Tiền sử dụng đất; lệ phí trước bạ; lệ phí cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở; phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở.

1. Tiền sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Chi phí đầu tiên mà người làm cần lưu tâm đến là tiền sử dụng đất. Tiền sử dụng đất là số tiền mà người sử dụng đất phải trả cho Nhà nước khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất.

1.1. Căn cứ tính tiền sử dụng đất

Căn cứ Điều 3 Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định về căn cứ tính tiền sử dụng đất, thì người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Luật Đất đai và được xác định trên các căn cứ sau:
(1). Diện tích đất được giao, được chuyển mục đích sử dụng, được công nhận quyền sử dụng đất.
(2). Mục đích sử dụng đất.
(3). Giá đất tính thu tiền sử dụng đất:
– Giá đất theo Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quy định áp dụng trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân được công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất ở trong hạn mức.
+ Việc xác định diện tích đất trong hạn mức phải đảm bảo nguyên tắc mỗi hộ gia đình (bao gồm cả hộ gia đình hình thành do tách hộ theo quy định của pháp luật), cá nhân chỉ được xác định diện tích đất trong hạn mức giao đất ở hoặc hạn mức công nhận đất ở một lần và trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
+ Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhiều thửa đất trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì hộ gia đình, cá nhân đó được cộng dồn diện tích đất của các thửa đất để xác định diện tích đất trong hạn mức giao đất ở hoặc hạn mức công nhận đất ở nhưng tổng diện tích đất lựa chọn không vượt quá hạn mức giao đất ở hoặc hạn mức công nhận đất ở tại địa phương nơi lựa chọn.
+ Hộ gia đình, cá nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của việc kê khai diện tích thửa đất trong hạn mức giao đất ở hoặc hạn mức công nhận đất ở được áp dụng tính thu tiền sử dụng đất; nếu bị phát hiện kê khai gian lận sẽ bị truy thu nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai và bị xử phạt theo quy định của pháp luật về thuế.
– Giá đất cụ thể được xác định theo các phương pháp so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư quy định tại Nghị định của Chính phủ về giá đất áp dụng trong các trường hợp sau:
+ Xác định tiền sử dụng đất đối với trường hợp diện tích tính thu tiền sử dụng đất của thửa đất hoặc khu đất có giá trị (tính theo giá đất trong Bảng giá đất) từ 30 tỷ đồng trở lên đối với các thành phố trực thuộc Trung ương; từ 10 tỷ đồng trở lên đối với các tỉnh miền núi, vùng cao; từ 20 tỷ đồng trở lên đối với các tỉnh còn lại trong các trường hợp: Tổ chức được giao đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất; hộ gia đình, cá nhân được giao đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; được công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất ở vượt hạn mức.
+ Xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.
– Giá đất cụ thể được xác định theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng đối với trường hợp diện tích tính thu tiền sử dụng đất của thửa đất hoặc khu đất có giá trị (tính theo giá đất trong Bảng giá đất) dưới 30 tỷ đồng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương; dưới 10 tỷ đồng đối với các tỉnh miền núi, vùng cao; dưới 20 tỷ đồng đối với các tỉnh còn lại áp dụng để xác định tiền sử dụng đất trong các trường hợp:
+ Tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
+ Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất;
+ Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất ở vượt hạn mức.
Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hệ số điều chỉnh giá đất để áp dụng cho các trường hợp áp dụng giá đất theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất.

1.2. Thời điểm tính tiền sử dụng đất

Thời điểm tính thu tiền sử dụng đất là thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất.

2. Lệ phí trước bạ khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở

Cách tính lệ phí trước bạ, mức thu lệ phí trước bạ (%) được quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 Nghị định 140/2016/NĐ-CP, được bổ sung bởi Điều 1 Nghị định 20/2019/NĐ-CP.
Căn cứ tính lệ phí trước bạ là giá tính lệ phí trước bạ và mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ (%).
Mức thu lệ phí trước bạ đối với nhà, đất: 0,5%.
Lệ phí trước bạ sẽ được tính theo công thức dưới đây:

a, Lệ phí trước bạ đối với đất

Lệ phí trước bạ đối với đất = 0.5% x (Giá 1m2 đất tại Bảng giá đất x Diện tích)
Trong đó:
  • Diện tích đất là toàn bộ diện tích đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của người đăng ký hồ sơ làm sổ đỏ, được Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận và cung cấp cơ quan thuế.
  • Giá 1m2 đất là giá đất tại Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.

b, Lệ phí trước bạn đối với nhà

Lệ phí trước bạ đối với nhà = 0.5% x Diện tích nhà (m2) x Giá 1m2 (đồng/m2) nhà x Tỷ lệ (%) chất lượng còn lại của nhà chịu lệ phí trước bạ.
Trong đó:
  • Diện tích nhà (m2): Là toàn bộ diện tích sàn nhà (kể cả diện tích công trình phụ kèm theo) thuộc quyền sở hữu hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
  • Giá 1m2 nhà: Là giá thực tế xây dựng “mới” 1m2 sàn nhà của từng cấp nhà, hạng nhà do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định của pháp luật về xây dựng tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ;
  • Tỷ lệ (%) chất lượng còn lại của nhà chịu lệ phí trước bạ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định của pháp luật.

3. Lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở

Căn cứ khoản 5 Điều 3 Thông tư 85/2019/TT-BTC, lệ phí cấp sổ đỏ (Giấy chứng nhận) sẽ do HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định. Vì thế, mức lệ phí sẽ có sự chênh lệch giữa các tỉnh thành phố.
Mặc dù mức thu mỗi tỉnh thành có thể khác nhau nhưng lệ phí cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân thường dưới 100.000 đồng/giấy/lần cấp (một vài tỉnh có mức thu là 120.000 đồng).

4. Phí thẩm định hồ sơ cấp sổ đỏ (Giấy chứng nhận)

Ngay sau khi nộp hồ sơ yêu cầu làm sổ đỏ, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ. Về cơ bản, giai đoạn này được hiểu là quá trình xác minh các điều kiện cần và đủ, khả năng thỏa mãn của hồ sơ cho quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và tài sản của chủ hồ sơ. Điều này đã được quy định rõ ràng tại Điểm i khoản 1 Điều 5 Thông tư 85/2019/TT-BTC.
Phí thẩm định hồ sơ được HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định. Vì thế, một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có cơ quan này thì không cần phải nộp khoản phí này. Ngoài ra, người dân có thể phải nộp thêm tiền đo đạc do cán bộ địa chính thực hiện.

Tài sản gắn liền với đất gồm những loại nào?

Tài sản gắn liền với đất là một phần không thể thiếu khi cấp Giấy chứng nhận (Sổ đỏ) tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được quy định cụ thể, chi tiết như sau:

Cụ thể, tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP, tài sản gắn liền với đất được liệt kê bao gồm:

– Nhà ở, công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở;

– Nhà ở riêng lẻ theo quy định của Luật nhà ở;

– Công trình xây dựng khác;

– Cây lâu năm, rừng sản xuất là rừng trồng hoặc vật khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, theo khoản 1 Điều 104 Luật đất đai tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bao gồm:

 – Nhà ở;

– Công trình xây dựng khác;

– Rừng sản xuất là rừng trồng;

– Cây lâu năm.

Các loại tài sản này phải có tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai

Do tính chất phức tạp, pháp luật hiện hành quy định khi có tranh chấp liên quan đến đất đai thì tự hòa giải hoặc thông qua hòa giải ở cơ sở. Trường hợp các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. 

Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai được quy định tại Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 14/2020/NĐ-CP, cụ thể:

1. Khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, UBND cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

  • Thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất;
  • Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải. Thành phần Hội đồng gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND là Chủ tịch Hội đồng; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn; tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, ấp đối với khu vực nông thôn; người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc; đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó; cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn. Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
  • Tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.

2. Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản, gồm có các nội dung: Thời gian và địa điểm tiến hành hòa giải; thành phần tham dự hòa giải; tóm tắt nội dung tranh chấp thể hiện rõ về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp (theo kết quả xác minh, tìm hiểu); ý kiến của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai; những nội dung đã được các bên tranh chấp thỏa thuận, không thỏa thuận.

Biên bản hòa giải phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng, các bên tranh chấp có mặt tại buổi hòa giải, các thành viên tham gia hòa giải và phải đóng dấu của UBND cấp xã; đồng thời phải được gửi ngay cho các bên tranh chấp và lưu tại UBND cấp xã.

3. Sau thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các bên tranh chấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung khác với nội dung đã thống nhất trong biên bản hòa giải thành thì Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức lại cuộc họp Hội đồng hòa giải để xem xét giải quyết đối với ý kiến bổ sung và phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành.

4. Trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới sử dụng đất, chủ sử dụng đất thì UBND cấp xã gửi biên bản hòa giải thành đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định tại khoản 5 Điều 202 Luật đất đai năm 2013.

Trường hợp hòa giải không thành hoặc sau khi hòa giải thành mà có ít nhất một trong các bên thay đổi ý kiến về kết quả hòa giải thì UBND cấp xã lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo.

Quy định của pháp luật hiện hành về tái định cư

Tái định cư là khoản hỗ trợ của Nhà nước khi người sử dụng có đất bị thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở. Tái định cư gồm phương án bố trí chỗ ở (tái định cư tại chỗ hoặc tái định cư tại địa điểm khác – nơi được bồi thường bằng đất) và hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở.

1. Quy định về lập và thực hiện dự án tái định cư

Điều 85 Luật đất đai 2013 quy định về lập và thực hiện dự án tái định cư như sau:

  • UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất.
  • Khu tái định cư tập trung phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền.
  • Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư.

Điều 26 Nghị định 47/2014/NĐ-CP hướng dẫn như sau:

  • Dự án tái định cư được lập và phê duyệt độc lập với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng phải bảo đảm có đất ở, nhà ở tái định cư trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất.
  • Việc lập dự án tái định cư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về phát triển và quản lý nhà ở tái định cư và phải bảo đảm các quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 69 Luật Đất đai 2013 như lấy kiến của người có đất thu hồi, niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư,…
  • Khu tái định cư được lập cho một hoặc nhiều dự án; nhà ở, đất ở trong khu tái định cư được bố trí theo nhiều cấp nhà, nhiều mức diện tích khác nhau phù hợp với các mức bồi thường và khả năng chi trả của người được tái định cư.
  • Đối với dự án khu tái định cư tập trung có phân kỳ xây dựng theo các dự án thành phần thì tiến độ thu hồi đất và hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư được thực hiện theo tiến độ của từng dự án thành phần nhưng các công trình cơ sở hạ tầng của từng dự án thành phần trong khu tái định cư phải bảo đảm kết nối theo đúng quy hoạch chi tiết đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Bố trí tái định cư cho người có đất ở thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở

Điều 86 Luật đất đai 2013 quy định bố trí tái định cư cho người có đất ở thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở như sau:

  • Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng được UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện giao trách nhiệm bố trí tái định cư phải thông báo cho người có đất ở thu hồi thuộc đối tượng phải di chuyển chỗ ở về dự kiến phương án bố trí tái định cư và niêm yết công khai ít nhất là 15 ngày tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi và tại nơi tái định cư trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án bố trí tái định cư. Nội dung thông báo gồm địa điểm, quy mô quỹ đất, quỹ nhà tái định cư, thiết kế, diện tích từng lô đất, căn hộ, giá đất, giá nhà tái định cư; dự kiến bố trí tái định cư cho người có đất thu hồi.
  • Người có đất thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ nếu tại khu vực thu hồi đất có dự án tái định cư hoặc có điều kiện bố trí tái định cư. Ưu tiên vị trí thuận lợi cho người có đất thu hồi sớm bàn giao mặt bằng, người có đất thu hồi là người có công với cách mạng. Phương án bố trí tái định cư đã được phê duyệt phải được công bố công khai tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi và tại nơi tái định cư.
  • Giá đất cụ thể tính thu tiền sử dụng đất tại nơi tái định cư, giá bán nhà ở tái định cư do UBND cấp tỉnh quyết định.
  • Trường hợp người có đất thu hồi được bố trí tái định cư mà tiền bồi thường, hỗ trợ không đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ tiền đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu.

3. Mức hỗ trợ tái định cư khi di chuyển chỗ ở

Theo Điều 22 Nghị định 47/2014/NĐ-CP, việc hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở được thực hiện như sau:

  • Hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận đất ở, nhà ở tái định cư mà số tiền được bồi thường về đất nhỏ hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu thì được hỗ trợ khoản chênh lệch giữa giá trị suất tái định cư tối thiểu và số tiền được bồi thường về đất.
  • Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tự lo chỗ ở thì ngoài việc được bồi thường về đất còn được nhận khoản tiền hỗ trợ tái định cư. UBND cấp tỉnh căn cứ quy mô diện tích đất ở thu hồi, số nhân khẩu của hộ gia đình và điều kiện cụ thể tại địa phương quy định mức hỗ trợ cho phù hợp.

Như vậy, khi đủ điều kiện để nhà nước hỗ trợ tái định cư thì việc hỗ trợ được thực hiện dựa trên dự án tái định cư do UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện lập và thực hiện trước khi thu hồi đất. Nếu số tiền bồi thường nhỏ hơn giá tiền của 01 suất đất tái định cư tối thiểu thì được hỗ trợ thêm phần còn thiếu; trường hợp tự lo chỗ ở thì được bồi thường về đất và nhận khoản tiền hỗ trợ tái định cư, mức hỗ trợ do UBND cấp tỉnh quy định.

4. Suất tái định cư tối thiểu 

Điều 27 Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về suất tại định cư tối thiểu như sau:

  • Suất tái định cư tối thiểu đối với trường hợp người có đất thu hồi được bố trí tái định cư mà tiền bồi thường, hỗ trợ không đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu được quy định bằng đất ở, nhà ở hoặc bằng nhà ở hoặc bằng tiền để phù hợp với việc lựa chọn của người được bố trí tái định cư.
  • Trường hợp suất tái định cư tối thiểu được quy định bằng đất ở, nhà ở thì diện tích đất ở tái định cư không nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa tại địa phương (mỗi tỉnh, thành quy định diện tích tách thửa khác nhau) và diện tích nhà ở tái định cư không nhỏ hơn diện tích căn hộ tối thiểu theo quy định của pháp luật về nhà ở (không nhỏ hơn 25m2).
  • Nếu suất tái định cư tối thiểu được quy định bằng nhà ở thì diện tích nhà ở tái định cư không nhỏ hơn diện tích căn hộ tối thiểu theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Trường hợp suất tái định cư tối thiểu được tính bằng tiền thì khoản tiền cho suất tái định cư tối thiểu tương đương với giá trị một suất tái định cư tối thiểu bằng đất ở, nhà ở tại nơi bố trí tái định cư.

Căn cứ vào quy định trên và tình hình cụ thể của địa phương, UBND cấp tỉnh quy định suất tái định cư tối thiểu bằng đất ở nhà ở, bằng nhà ở và bằng tiền.

Điều kiện cho thuê lại quyền sử dụng đất

Theo quy định của Luật đất đai 2013 hiện hành, cho thuê lại quyền sử dụng đất là quyền của người sử dụng đất. Tuy nhiên, việc cho thuê lại này cần tuân theo trình tự thủ tục luật định.

1. Điều kiện cho thuê lại đất

Theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật đất đai 2013, người sử dụng đất có quyền cho thuê lại quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau:

  • Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (thường gọi là Sổ đỏ)
  • Đất cho thuê lại không có tranh chấp.
  • Quyền sử dụng đất cho thuê lại không bị kê biên để đảm bảo thi hành án.
  • Quyền sử dụng đất cho thuê lại còn thời hạn sửu dụng.
  • Đối với trường hợp cho thuê lại quyền sử dụng đất của tố chức, hộ gia đình, cá nhân thì phải được sự đồng ý của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó.

2. Trình tự thủ tục cho thuê lại quyền sử dụng đất

Căn cứ vào khoản 1 và khoản 2 Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì trình tự thủ tục cho thuê lại quyền sử dụng đất như sau:

2.1. Nộp hồ sơ cho thuê lại quyền sử dụng đất

Hồ sơ gồm có:

  • Đơn đăng ký biến động đất đai theo mẫu 09/ĐK.
  • Hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng đất.

Sau khi chuẩn bị hồ sơ, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất cho thuê lại hoặc tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện nơi có đất cho thuê.

2.2. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ cho thuê lại

Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra hồ sơ và thực hiện công việc sau:

– Gửi thông tin đến cơ quan thuế xác định và thông báo nghĩa vụ tài chính phải nộp.

– Xác nhận nội dung biến động (cho thuê lại) vào Giấy chứng nhận.

– Chỉnh lý, cập nhật thông tin biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.

2.3. Trả kết quả

Thời gian thực hiện: Không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 13 ngày làm việc đối với các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.

Các trường hợp được miễn thuế khi mua bán nhà đất

Khi thực hiện giao dịch liên quan đến nhà đất thì theo quy định của pháp luật, người bán có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân bằng 2 % giá trị chuyển nhượng. Tuy nhiên, các trường hợp dưới đây thì được miễn thuế khi mua bán nhà đất.

1. Mua bán giữa những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng

Theo điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa những người sau thì được miễn thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể:

– Giữa vợ với chồng;

– Cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ;

– Cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi;

– Cha chồng, mẹ chồng với con dâu;

– Bố vợ, mẹ vợ với con rể;

– Ông nội, bà nội với cháu nội;

– Ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại;

– Anh chị em ruột với nhau.

Ngoài ra, trường hợp bất động sản do vợ hoặc chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng, khi ly hôn được phân chia theo thỏa thuận hoặc do tòa án phán quyết thì việc phân chia tài sản đó thuộc diện được miễn thuế.

2. Người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, một thửa đất

Theo điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì cũng không phải nộp thuế (chỉ đất ở được miễn, các loại đất khác thì vẫn phải nộp thuế). 

Trong trường hợp này muốn được miễn thuế thu nhập cá nhân thì phải đáp ứng đủ 03 điều kiện như sau:

2.1. Chỉ có duy nhất quyền sở hữu một nhà ở hoặc quyền sử dụng một thửa đất ở

Chỉ có duy nhất quyền sở hữu một nhà ở hoặc quyền sử dụng một thửa đất ở (bao gồm cả trường hợp có nhà ở hoặc công trình xây dựng gắn liền với thửa đất đó) tại thời điểm chuyển nhượng, cụ thể:

– Việc xác định quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

– Cá nhân có chung quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở còn có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở khác không được miễn thuế.

– Trường hợp vợ chồng có chung quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và cũng là duy nhất của chung vợ chồng nhưng vợ hoặc chồng còn có nhà ở, đất ở riêng, khi chuyển nhượng nhà ở, đất ở của chung vợ chồng thì vợ hoặc chồng chưa có nhà ở, đất ở riêng được miễn thuế; chồng hoặc vợ có nhà ở, đất ở riêng không được miễn thuế.

2.2. Có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở tối thiểu 06 tháng

– Có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở tính đến thời điểm chuyển nhượng tối thiểu là 183 ngày.

– Thời điểm xác định quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở là ngày cấp giấy chứng nhận.

Trường hợp được cấp lại, cấp đổi thì thời điểm xác định quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở được tính theo thời điểm cấp Giấy chứng nhận trước khi được cấp lại, cấp đổi.

2.3. Chuyển nhượng toàn bộ nhà ở, đất ở

– Trường hợp cá nhân có quyền hoặc chung quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất ở duy nhất nhưng chuyển nhượng một phần thì không được miễn thuế cho phần chuyển nhượng đó.

Hợp pháp hóa hợp đồng mua bán nhà đất không công chứng

Theo quy định của Luật đất đai năm 2013, đối với hợp đồng mua bán nhà đất thì phải công chứng, nếu không công chứng thì hợp đồng bị vô hiệu. Tuy nhiên vẫn có quy định mà hợp đồng không công chứng thì vẫn được công nhận.

1. Quy định của pháp luật hiện hành về hợp đồng mua bán nhà đất

Theo quy định tại điểm a khoản  Điều 167 Luật đất đai 2013, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng, trừ trường hợp sau: “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản”.

Do đó, nếu hợp đồng mua bán nhà đất không công chứng thì bị vô hiệu.

2. Hợp đồng không công chứng có thể có hiệu lực

Trong trường hợp hợp đồng mua bán nhà đất không được công chứng thi được xem là vi phạm về hình thức. Điều 129 Bộ luật dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy  về hình thức như sau:

Điều 129. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức

Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực”.

Như vậy, hợp đồng mua bán nhà đất mà các bên chưa công chứng thì vẫn có hiệu lực nếu một trong các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong hợp đồng.

– Để hợp đồng mua bán nhà đất không có công chứng thì bên mua hoặc bên bán hoặc cả hai bên yêu cầu thì Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của hợp đồng và các bên không phải thực hiện việc công chứng.

Khi nộp đơn yêu cầu Tòa án công nhận thì người yêu cầu phải có giấy tờ, chứng minh việc thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong hợp đồng (có thể là giấy giao nhận tiền, biên lai, thông tin chuyển khoản qua ngân hàng…).

Di chúc để lại nhà đất với điều kiện không được bán thì có hợp pháp hay không?

Đất đai nhà ở là tài sản quý giá, vì vậy khi để lại di chúc cho con, ông bà cha mẹ thường mong muốn con cái sẽ quản lý, thờ cúng mà không được bán. Vậy di chúc để lại với nội dung như trên có hiệu lực pháp luật hay không?

1. Điều kiện có hiệu lực của di chúc

Theo quy định tại Điều 626 Bộ luật dân sự năm 2015, người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế cũng như phân định phần di sản cho từng người thừa kế. Do đó, việc để tài sản của mình cho ai trong di chúc là quyền và ý chí của người lập di chúc.

Ngoài ra, theo Điều 631, di chúc gồm các nội dung sau:

– Ngày tháng năm lập di chúc;

– Họ tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

– Họ tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

– Di sản để lại và nơi có di sản.

Ngoài những nội dung này thì di chúc có thể có các nội dung khác.

Không chỉ vậy, về di chúc hợp pháp, Điều 630 Bộ luật dân sự quy định gồm các điều kiện sau đây:

– Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

– Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;

– Hình thức di chúc không trái quy định của luật…

Căn cứ các quy định trên, có thể thấy, không có quy định nào cấm di chúc không được kèm theo điều kiện cũng như không có quy định cụ thể về di chúc kèm điều kiện. Do đó, nếu di chúc đáp ứng các điều kiện để có hiệu lực và hợp pháp thì hoàn toàn có thể kèm theo điều kiện. Trong đó, điều kiện của di chúc không được trái đạo đức xã hội, vi phạm điều cấm của luật.

Ví dụ: Trong di chúc, cha mẹ để lại di chúc cho con với điều kiện chỉ được ở không được bán thì đây được xác định là nội dung di chúc trái với quy định của pháp luật. Điều 167 Luật Đất đai 2013 ghi nhận người sử dụng đất có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất. Các quyền này không thể bị hạn chế trừ trường hợp do Nhà nước quy định ( chẳng hạn như nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất). Như vậy di chúc không hợp pháp.

2. Làm thế nào để di chúc có điều kiện như ví dụ trên hợp pháp?

Nếu muốn hợp pháp hóa di chúc với nội dung để lại nhà đất cho con với điều kiện không được bán thì người để lại di chúc có thể ghi trong nội dung di chúc với điều kiện đây là di sản để thờ cúng. Điều 645 Bộ luật dân sự 2015 quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng như sau:

1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.

Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng”.

Đối với di sản được dùng vào việc thờ cúng thì người thừa kế di sản sẽ không thể thực hiện các hoạt động chuyển nhượng tặng cho,… đối với di sản này, đồng thời thỏa mãn yêu cầu có hiệu lực của di chúc.

0988873883