XÁC MINH LÀM RÕ HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH

 Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp phải xác minh làm rõ hành vi vi phạm hành chính được xác định như thế nào? Nội dung này đã được giải đáp tại Mục II Về tố tụng hành chính tại Thông báo số 212/TB-TANDTC-PC của TAND Tối cao ngày 13 tháng 09 năm 2019 về việc Thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử. Cụ thể:

1) Trường hợp khi phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính, người có thẩm quyền mới chỉ lập biên bản để ghi nhận vụ việc (như biên bản kiểm tra, biên bản làm việc…); sau đó, tiến hành xác minh làm rõ tình tiết vụ việc vi phạm hành chính. Sau khi có kết quả xác minh, người có thẩm quyền mới lập biên bản vi phạm hành chính thì thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được tính kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

2) Trường hợp việc xác minh được thực hiện sau khi lập biên bản vi phạm hành chính làm cơ sở để người có thẩm quyền xem xét, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 66 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.

3) Đối với trường hợp hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến mà người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải xác minh thêm tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử lý vi phạm hành chính thì thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tối đa không quá 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

* Để hiểu thêm vấn đề này, vui lòng liên hệ đến số hotline 0988873883 của Luật STC để được luật sư tư vấn miễn phí.

Công ty Luật TNHH STC

Văn phòng tại Hà Nội: Tầng 5, Tòa nhà AC, Ngõ 78, Phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Hotline: 0988873883

Email: stclawfirm.vn@gmail.com

Website: https://stclawfirm.com/

Văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh: Landmark 81, Vinhomes Central Park, số 208 Nguyễn Hữu Cảnh và số 720A Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

 

TÌNH TIẾT GIẢM NHẸ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ TẠI KHOẢN 2 ĐIỀU 51 BỘ LUẬT HÌNH SỰ

Hiện nay quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên trong quá trình xét xử, Tòa án có thể tham khảo quy định tại điểm c mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04-8-2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xác định tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể như sau:

– Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, bà mẹ Việt Nam anh hùng, nghệ sỹ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước:

– Bị cáo có anh, chị, em ruột là liệt sỹ;

– Bị cáo là người tàn tật do bị tai nạn trong lao động hoặc trong công tác, có tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên;

– Người bị hại cũng có lỗi;

– Thiệt hại do lỗi của người thứ ba;

– Gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo;

– Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khoẻ của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản;

– Phạm tội trong trường hợp vì phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu.

Ngoài ra, khi xét xử, tùy từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

Như vậy, không phải mọi tình tiết được coi là có lợi cho bị cáo đều sẽ được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự, mà cần được tham chiếu đúng với nội dung hướng dẫn trên để bản án không bị xem xét lại.

Nội dung trên được giải đáp tại Thông báo số 212/TB-TANDTC-PC của TAND Tối cao ngày 13 tháng 09 năm 2019 về việc Thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử.

Tổng đài tư vấn của Luật STC - TL 0988873883
Tổng đài tư vấn của Luật STC – TL 0988873883

* Để hiểu thêm vấn đề này, vui lòng liên hệ đến số hotline 0988873883 của Luật STC để được luật sư tư vấn miễn phí.

Công ty Luật TNHH STC

Văn phòng tại Hà Nội: Tầng 5, Tòa nhà AC, Ngõ 78, Phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Hotline: 0988873883

Email: stclawfirm.vn@gmail.com

Website: https://stclawfirm.com/

Văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh: Landmark 81, Vinhomes Central Park, số 208 Nguyễn Hữu Cảnh và số 720A Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

TIỀN THU LỢI BẤT CHÍNH CỦA TỘI CHO VAY LÃI NẶNG TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ

Thực tế xử lý không ít vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã xác định không đúng số tiền thu lợi bất chính của bị can, bị cáo. Những vướng mắc này đã được giải đáp tại Thông báo số 212/TANDTC ngày 13 tháng 09 năm 2019 của TAND Tối cao thông báo về kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử. Cụ thể các vướng mắc về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (quy định tại Điều 201 của Bộ luật Hình sự) được giải đáp như sau:

1.Khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là tổng stiền lãi thu được từ việc cho vay hay là khoản tiền lãi thu được sau khi trừ đi tiền lãi theo quy định của Bộ luật Dân sự?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự thì: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay…”. Do đó, khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là số tiền lãi thu được sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự.

2.Khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự trong vụ án là tng số tiền lãi mà người phạm tội thu được của tất cả những người vay hay số tiền lãi thu được của từng người vay?

Khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là tổng số tiền lãi mà người phạm tội thu được của tất cả những người vay, nếu hành vi cho vay lãi nặng được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.

Trường hợp một người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, mà tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần phạm tội từ 100 triệu đồng trở lên, nếu các lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với trị giá tài sản chiếm đoạt, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

3.Khoản tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thu được từ việc cho vay lãi nặng bị tịch thu sung công hay trả lại cho người vay?

Theo quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự thì: “Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”. Do đó, khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất trên 20%/năm là khoản tiền mà người phạm tội thu lợi bất chính của người vay nên được trả lại cho người vay tiền, trừ trường hợp người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy…) thì khoản tiền thu lợi bất chính bị tịch thu sung công quỹ nhà nước.

Liên hệ số HL 0988873883 để được luật sư của STC tư vấn miễn phí
Liên hệ số HL 0988873883 để được luật sư của STC tư vấn miễn phí

4.Khoản tiền người phạm tội dùng để cho vay và khoản lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm có xác định là phương tiện phạm tội để tịch thu sung quỹ nhà nước hay trả cho người phạm tội?

Đối với khoản tiền cho vay (tiền gốc) được xác định là phương tiện phạm tội, nên bị tịch thu sung quỹ Nhà nước.

Đối với khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm tuy không bị tính khi xác định trách nhiệm hình sự, nhưng đây cũng là khoản tiền phát sinh từ tội phạm, đồng thời hoạt động cho vay lãi nặng thường gắn với các băng nhóm tội phạm. Do đó, để bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm thì Tòa án phải tuyên tịch thu sung công quỹ nhà nước khoản tiền này.

5.Người vay tiền trong vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tham gia tố tụng với tư cách là bị hại hay là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan?

Theo quy định tại Điều 65 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì người vay tiền trong trường hợp này tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

6.Trong vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có bắt buộc phải trưng cầu giám định về tiền lãi không?

Tại Điều 4 của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC- TANDTC-BCA-BTP ngày 13-12-2017 quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế thì việc xác định tiền lãi, tiền lãi nặng trong vụ án này không thuộc trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định tư pháp.

* Để hiểu thêm vấn đề này, vui lòng liên hệ đến số hotline 0988873883 của Luật STC để được luật sư tư vấn miễn phí.

Công ty Luật TNHH STC

Văn phòng tại Hà Nội: Tầng 5, Tòa nhà AC, Ngõ 78, Phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Hotline: 0988873883

Email: stclawfirm.vn@gmail.com

Website: https://stclawfirm.com/

Văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh: Landmark 81, Vinhomes Central Park, số 208 Nguyễn Hữu Cảnh và số 720A Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

HÀNH VI CHIẾM GIỮ TÀI SẢN TRÁI PHÉP CỦA NGƯỜI “HÔI VÀNG” MÀ KHÔNG TRẢ BỊ XỬ LÝ THẾ NÀO??

Liên quan đến vụ xả súng cướp tiệm vàng ở chợ Đông Ba, TP Huế, trong quá trình bị truy đuổi, kẻ cướp đã ném nhiều vàng ra đường. Bất chấp nguy hiểm từ tên cướp có súng, nhiều người dân tại hiện trường vẫn lao ra đường nhặt vàng rơi vãi. Trước sự việc trên, nhiều người dân thắc mắc, hành vi “hôi của” nhặt vàng – chiếm giữ tài sản trái phép mà không đem trả lại có bị coi là phạm tội hay không? Nếu có sẽ bị xử về tội gì?

  1. Quy định pháp luật

Quyền sở hữu tài sản gồm ba quyền: Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.

Theo Bộ luật Dân sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017: “Chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản. Chiếm hữu bao gồm chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu.”“Chiếm hữu không ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu biết hoặc phải biết rằng mình không có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu.”

Điều 230 của Bộ luật về Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên.

  1. Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.

  1. Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:
  2. a) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước;”

Vậy việc người dân chứng kiến vụ xả súng cướp tiệm vàng ở Huế, thấy vàng do tội phạm ném ra mà nhặt là hành vi chiếm hữu không ngay tình tài sản là vàng của chủ sở hữu tiệm vàng. Công an TP Huế sau đó phát thông báo, đề nghị người dân nhặt được vàng có liên quan đến vụ cướp bằng súng tại chợ Đông Ba phải giao nộp cho cơ quan công an. Việc này nhằm phục vụ hoạt động điều tra của cơ quan công an, cũng như hoàn trả lại cho người bị hại sau khi kết thúc vụ việc. Nếu người dân cố tình không trả lại vàng “đã nhặt”, sau khi đã có thông báo của công an Thành phố Huế, thì hành vi chiếm giữ tài sản này được hiểu là hành vi chiếm hữu tài sản trái pháp luật. Do đó, trong trường hợp cá nhân nhặt được vàng mà không trả sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi.

Về xử phạt vi phạm hành chính, căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi chiếm giữ tài sản của người khác chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng. Đồng thời, người thực hiện hành vi còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hoặc buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép.

Về trách nhiệm hình sự, trong trường hợp tài sản chiếm giữ trái phép có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Người này có thể bị phạt tiền lên đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Nếu tài sản bị chiếm giữ trái pháp luật trị giá 200 triệu đồng trở lên, mức phạt cao nhất có thể lên đến 05 năm tù.

Trong vụ việc này lực lượng chức năng đã ra các thông báo công khai yêu cầu những người dân nhặt được vàng ở hiện trường vụ việc giao trả lại, nếu cá nhân nào đã nhặt được vàng (là tang chứng, vật chứng của vụ án) mà cố tình không hợp tác, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào giá trị của số vàng đã bị chiếm giữ trái phép để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chiếm giữ trái phép. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng có thể căn cứ vào nhân thân của người chiếm giữ cũng như thái độ trong quá trình làm việc, từ đó xem xét áp dụng truy tố ở mức hình phạt hợp lý như phạt tiền/cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù.

Liên hệ Hotline 0988873883 để được tư vấn miễn phí
Liên hệ Hotline 0988873883 để được tư vấn miễn phí
  1. Giải pháp xử lý

Qua vụ việc trên, người dân cần hiểu và tuân thủ quy định của pháp luật về trách nhiệm của mình khi “nhặt” được tài sản đánh rơi, bỏ quên. Cụ thể, khi nhặt được tài sản của người khác, nhất là tài sản có giá trị khi bị người khác đánh rơi, bỏ quên, người dân phải kịp thời thông báo và giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã/công an cấp xã hoặc biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó.

Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định là tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 14.900.000 đồng thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn 14.900.000 đồng thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng 14.900.000 và 50% giá trị của phần vượt quá 14.900.000 đồng, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.

Vậy, nếu sau 1 năm chủ sở hữu tài sản không nhận, thì người dân được hưởng tài sản đó theo quy định pháp luật. Vì vậy, khi chưa xác định được chủ sở hữu tài sản, người dân không nên “nhặt được của rơi tạm thời đút túi” để tránh vi phạm pháp luật. Bởi lòng tham khi nhặt được những tài sản này có thể phải trả giá rất đắt bằng những chế tài nghiêm minh của pháp luật.

 

ÁN LỆ SỐ 01 – XÁC ĐỊNH Ý CHÍ CHỦ QUAN ĐỂ ĐỊNH DANH TỘI GIẾT NGƯỜI HAY CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH-

Xác định ý chí chủ quan để định danh tội giết người hay cố ý gây thương tích là nội dung chính của Án lệ số 01/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06 tháng 4 năm 2016 và được công bố theo Quyết định 220/QĐ-CA ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nguồn án lệ:

Quyết định giám đốc thẩm số 04/2014/HS-GĐT ngày 16-4-2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Giết người” đối với bị cáo: Đồng Xuân Phương, sinh năm 1975; trú tại nhà số 11/73 phố Đinh Tiên Hoàng, Phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng; là công nhân xây dựng; con ông Đồng Xuân Chì và bà Dương Thị Thông; bị bắt giam ngày 22-6-2007;

Người bị hại: Nguyễn Văn Soi, sinh năm 1971 (đã chết).

Khái quát nội dung của án lệ:

Trong vụ án có đồng phạm, nếu chứng minh được ý thức chủ quan của người chủ mưu là chỉ thuê người khác gây thương tích cho người bị hại mà không có ý định tước đoạt tính mạng của họ (người chủ mưu chỉ yêu cầu gây thương tích ở chân, tay của người bị hại mà không yêu cầu tấn công vào các phần trọng yếu của cơ thể có khả năng dẫn đến chết người); người thực hành cũng đã thực hiện theo đúng yêu cầu của người chủ mưu; việc nạn nhân bị chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người chủ mưu thì người chủ mưu phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người”.

Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

– Điểm m, n khoản 1 Điều 93 của Bộ luật hình sự năm 1999;

– Khoản 3 Điều 104 của Bộ luật hình sự năm 1999.

Từ khóa của án lệ:

“Giết người”; “Cố ý gây thương tích”; “Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”; “Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe”; “Thuê người khác gây thương tích”.

Liên hệ Luật STC để được tư vấn các nội dung pháp lý liên quan đến Án lệ số 01
Liên hệ Luật STC để được tư vấn các nội dung pháp lý liên quan đến Án lệ số 01

NỘI DUNG VỤ ÁN

Khoảng 15 giờ ngày 21-6-2007, Công an quận Long Biên, thành phố Hà Nội nhận được tin báo đã xảy ra vụ án, nạn nhân bị chết tại khu vực đúc dầm bê tông thi công cầu Thanh Trì thuộc địa phận tổ 12, phường Thạch Bàn, quận Long Biên; nạn nhân là anh Nguyễn Văn Soi (kỹ sư xây dựng thuộc Công ty cổ phần xây dựng 204 thuộc Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng). Qua điều tra, xác minh, Công an quận Long Biên đã bắt khẩn cấp Đồng Xuân Phương.

Quá trình điều tra xác định: anh Nguyễn Văn Soi và Đồng Xuân Phương cùng làm việc tại Công ty cổ phần xây dựng 204 thuộc Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng (được giao nhiệm vụ thi công, xây dựng cầu Thanh Trì). Khoảng tháng 02-2007, Phương uống rượu say trong giờ làm việc, bị anh Soi dùng điện thoại di động chụp ảnh, báo cáo lãnh đạo nên Phương có ý định trả thù anh Soi.

Ngày 14-6-2007, Đồng Xuân Phương gọi điện thoại cho bạn là Đoàn Đức Lân sinh năm 1975 (trú tại nhà số 11 C98 Trại Chuối, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng) nói việc mâu thuẫn nêu trên và thuê Lân đánh trả thù. Lân nói sẽ giới thiệu người khác thực hiện. Tối ngày 17-6-2007, Phương từ Hà Nội về Hải Phòng gặp Lân và bạn của Lân là Hoàng Ngọc Mạnh sinh năm 1982 (còn gọi là Thắng; trú tại phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng) kể lại việc mâu thuẫn và thuê Lân, Mạnh đánh anh Soi, bằng cách dùng dao đâm vào chân, tay nạn nhân để gây thương tích. Đồng Xuân Phương hỏi giá bao nhiêu, Mạnh và Lân nói tùy nên Phương đã đưa cho Mạnh 1.500.000 đồng. Lân và Mạnh đồng ý.

Khoảng 20 giờ ngày 20-6-2007, Hoàng Ngọc Mạnh đi cùng Nam (là bạn Mạnh; không xác định được địa chỉ) lên Hà Nội gặp Đồng Xuân Phương thống nhất là sẽ đánh anh Soi vào ngày 21-6-2007; sau đó Phương đưa thêm 500.000 đồng để Mạnh thuê chỗ ngủ. Đến khoảng 9 giờ ngày 21-6-2007, Phương dẫn Mạnh và Nam đến đoạn đường anh Soi sẽ qua để đi họp vào đầu giờ buổi chiều hôm đó; rồi quay về Công ty. Khoảng 11 giờ, Hoàng Ngọc Mạnh đến quán nước tại ngã ba quốc lộ 5 – 1B (quán của chị Phạm Thị Miến) thuê điện thoại di động của chị Miến gọi điện thoại cho Đồng Xuân Phương yêu cầu mô tả đặc điểm nhận dạng và thông báo số điện thoại di động của anh Soi; Phương đã thực hiện theo yêu cầu của Mạnh. Đến khoảng hơn 13 giờ chiều, Mạnh lại thuê điện thoại di động của chị Miến gọi cho Phương thông báo là đã nhận dạng được anh Soi và Mạnh sẽ thực hiện một mình vì hiện Nam đã bỏ đi đâu không thông báo lại, Đồng Xuân Phương đồng ý.

Khoảng 14 giờ 16 phút cùng ngày, Mạnh đã thuê máy điện thoại di động của chị Miến gọi điện thoại hẹn gặp anh Soi tại khu vực đúc dầm bê tông. Khi anh Soi đến, Mạnh đã dùng dao nhọn chuẩn bị từ trước đâm 02 nhát vào mặt sau đùi phải, làm anh Soi chết.

Tại Bản giám định pháp y số 146/PC21-PY ngày 17-7-2007, Phòng Kỹ thuật hình sự – Công an thành phố Hà Nội kết luận: nạn nhân bị 02 vết thương tại mặt sau đùi phải, vết phía trên xuyên vào cơ đùi 3cm. Vết phía dưới cắt đứt động mạch, tĩnh mạch đùi sau gây chảy mất nhiều máu. Nguyên nhân chết: sốc mất máu cấp không hồi phục do vết thương động mạch.

Ngoài ra, trong quá trình điều tra Đồng Xuân Phương còn khai: ngoài lý do mâu thuẫn giữa bị cáo và anh Soi, việc thuê đâm anh Soi còn có nguyên nhân do bị anh Ngô Văn Toản (là Phó Ban điều hành dự án cầu Thanh Trì) kích động, vì trước đó anh Toản cũng có mâu thuẫn với anh Soi. Cơ quan điều tra đã lấy lời khai của anh Toản, nhưng anh Toản không thừa nhận việc này. Kết quả điều tra không có cơ sở kết luận anh Toản có liên quan đến vụ án.

Đoàn Đức Lân và Hoàng Ngọc Mạnh bỏ trốn, Cơ quan điều tra đã có quyết định truy nã và quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với Đoàn Đức Lân và Hoàng Ngọc Mạnh, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Trong quá trình điều tra, cán bộ và Công ty cổ phần xây dựng 204 đã tự nguyện quyên góp, trợ cấp cho gia đình người bị hại tổng cộng 123.000.000 đồng, trong đó có chi phí mai táng 63.000.000 đồng và 03 sổ tiết kiệm cho gia đình anh Soi, với tổng số tiền gửi là 60.000.000 đồng.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 164/2008/HSST ngày 17-11-2008, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự; xử phạt Đồng Xuân Phương 17 năm tù về tội “Giết người”.

Buộc Đồng Xuân Phương bồi thường cho gia đình người bị hại tiền tổn thất tinh thần là 32.400.000 đồng và cấp dưỡng hàng tháng cho 02 con và mẹ người bị hại.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Đồng Xuân Phương kháng cáo đề nghị xem xét lại vụ án.

Đại diện hợp pháp của người bị hại là chị Nguyễn Thị Thanh kháng cáo đề nghị tăng hình phạt, tăng mức bồi thường đối với bị cáo.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 262/2009/HSPT ngày 05-5-2009, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội căn cứ khoản 1 Điều 250 Bộ luật tố tụng hình sự, hủy Bản án hình sự sơ thẩm nêu trên để điều tra lại theo thủ tục chung.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 167/2010/HSST ngày 31-3-2010, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự; xử phạt Đồng Xuân Phương 17 năm tù về tội “Giết người”.

Buộc Đồng Xuân Phương bồi thường các khoản gồm: chi phí mai táng 34.583.000 đồng, tiền tổn thất tinh thần cho vợ con người bị hại tổng số là 39.000.000 đồng và cấp dưỡng hàng tháng cho mẹ và con người bị hại.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 02-4-2010, Đồng Xuân Phương kháng cáo xin giảm hình phạt và đề nghị xem xét lại vụ án vì chưa bắt được Mạnh nên không có đủ căn cứ khẳng định việc Mạnh đâm chết anh Soi.

Ngày 13-4-2010, vợ người bị hại là chị Nguyễn Thị Thanh kháng cáo đề nghị tăng hình phạt, tăng mức bồi thường đối với bị cáo.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 475/2010/HSPT ngày 15-9-2010, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội áp dụng các điểm m, n khoản 1 Điều 93; điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự; xử phạt Đồng Xuân Phương tù chung thân về tội “Giết người”; buộc Đồng Xuân Phương bồi thường tiền bù đắp tổn thất tinh thần là 43.800.000 đồng và giữ nguyên các quyết định khác về bồi thường thiệt hại.

Tại Kháng nghị số 13/KN-HS ngày 22-7-2013, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy Bản án hình sự phúc thẩm nêu trên về các phần: tội danh, hình phạt và án phí hình sự phúc thẩm đối với Đồng Xuân Phương; chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với Kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhận định:

Căn cứ vào các lời khai nhận tội của bị cáo Đồng Xuân Phương trong quá trình điều tra và tại các phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm; lời khai và kết quả nhận dạng của những người làm chứng về các đối tượng liên quan đến vụ án; Biên bản khám nghiệm hiện trường; Bản giám định pháp y cùng các tài liệu, chứng cứ khác của vụ án; có đủ căn cứ kết luận do mâu thuẫn trong sinh hoạt, Đồng Xuân Phương đã thuê Hoàng Ngọc Mạnh và Đoàn Đức Lân dùng dao đâm anh Nguyễn Văn Soi, với mục đích gây thương tích cho nạn nhân để trả thù. Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án; có căn cứ xác định về mặt chủ quan, Phương chỉ muốn gây thương tích cho anh Soi mà không muốn tước đoạt tính mạng, cũng không muốn thuê Mạnh đâm bừa, đâm ẩu vào anh Soi để mặc mọi hậu quả xảy ra. Vì thế, bị cáo chỉ yêu cầu tấn công vào chân, tay mà không yêu cầu tấn công vào các phần trọng yếu của cơ thể, là những vị trí nếu bị tấn công thì sẽ có nhiều khả năng xâm hại đến tính mạng nạn nhân. Khi thực hiện tội phạm, Mạnh đã đâm 02 nhát đều vào đùi nạn nhân theo đúng yêu cầu của Phương. Hành vi phạm tội của Hoàng Ngọc Mạnh khó thấy trước được hậu quả chết người có thể xảy ra. Việc nạn nhân bị chết do sốc mất máu cấp không hồi phục là ngoài ý muốn của Đồng Xuân Phương và đồng phạm. Hành vi của Đồng Xuân Phương thuộc trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã kết án Đồng Xuân Phương về tội “Giết người” là không đúng pháp luật.

Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự,

QUYẾT ĐỊNH

  1. Hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 475/2010/HSPT ngày 15-9-2010 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội về các phần: tội danh, hình phạt và án phí hình sự phúc thẩm đối với Đồng Xuân Phương; chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
  2. Tiếp tục tạm giam Đồng Xuân Phương cho đến khi Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội thụ lý lại vụ án.
  3. Các quyết định khác của Bản án hình sự phúc thẩm nêu trên đã có hiệu lực pháp luật.

NỘI DUNG ÁN LỆ

“Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án; có căn cứ xác định về mặt chủ quan, Phương chỉ muốn gây thương tích cho anh Soi mà không muốn tước đoạt tính mạng, cũng không muốn thuê Mạnh đâm bừa, đâm ẩu vào anh Soi để mặc mọi hậu quả xảy ra. Vì thế, bị cáo chỉ yêu cầu tấn công vào chân, tay mà không yêu cầu tấn công vào các phần trọng yếu của cơ thể, là những vị trí nếu bị tấn công thì sẽ có nhiều khả năng xâm hại đến tính mạng nạn nhân. Khi thực hiện tội phạm, Mạnh đã đâm 02 nhát đều vào đùi nạn nhân theo đúng yêu cầu của Phương. Hành vi phạm tội của Hoàng Ngọc Mạnh khó thấy trước được hậu quả chết người có thể xảy ra. Việc nạn nhân bị chết do sốc mất máu cấp không hồi phục là ngoài ý muốn của Đồng Xuân Phương và đồng phạm. Hành vi của Đồng Xuân Phương thuộc trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã kết án Đồng Xuân Phương về tội “Giết người ” là không đúng pháp luật.”

  1. PHÂN TÍCH VÀ LUẬN GIẢI

Căn cứ để xác định về mặt chủ quan người chủ mưu thuê người khác gây thương tích cho bị hại được chứng minh bởi:

  • Lời khai của người chủ mưu chỉ muốn thuê người khác gây thương tích cho người bị hại, không muốn tước đoạt tính mạng của người bị hại;
  • Yêu cầu của người chủ mưu đối với người được thuê thực hiện hành vi gây thương tích là gây tương tích (đâm) vào vị trí cụ thể của người bị hại mà những vị trí đó không phải là trọng yếu có thể dẫn đến chết người;
  • Người được thuê gây thương tích đâm vào đúng những vị trí đã được yêu cầu;
  • Với những hành vi phạm tội đã được thực hiện (đâm 2 nhát vào đùi) thì về mặt khách quan khó có thể lường trước được hậu quả chết người có thể xảy ra; và
  • Nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân (chết do sốc mất máu cấp không hồi phục) là ngoài ý muốn của người chủ mưu và người thực hiện tội phạm.

Án lệ đưa ra cách xác định ý thức chủ quan của người phạm tội. Trong tình huống án lệ, ý thức chủ quan của người phạm tội trước hết được thể hiện thông qua các lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra và xét xử. Bị cáo khai rằng “có ý định trả thù”, thuê người đánh nạn nhân “bằng cách dùng dao đâm vào chân, tay nạn nhân để gây thương tích”. Như vậy, theo lời khai của bị cáo thì bị cáo ý thức được rằng hành vi phạm tội đâm vào chân và tay của nạn nhân sẽ dẫn đến thương tích và mong muốn người bị hại bị thương tích.

Để đánh giá lời khai của người phạm tội có đáng tin cậy hay không, trước hết HĐTP TANDTC đã xem xét vấn đề liệu người thực hiện tội phạm có thực hiện hành vi phạm tội đúng như chỉ thị của người chủ mưu hay không. Đây là hướng dẫn cụ thể của án lệ về việc đánh giá ý thức chủ quan của bị cáo thông qua hành vi phạm tội. HĐTP TANDTC nhận định về vị trí cơ thể bị tấn công của nạn nhân cũng phải được xem xét để đánh giá ý thức chủ quan của tội phạm.

Cụ thể, nạn nhân không bị tấn công vào các bộ phận trọng yếu của cơ thể như đầu, ngực, bụng…; mà bị tấn công vào chân (mặt sau đùi phải), là bộ phận mà người phạm tội cho rằng là không gây nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân, khó thấy trước được hậu quả chết người có thể xảy ra. Người phạm tội chủ đích tấn công vào bộ phận không trọng yếu nhằm gây thương tích, và không có chứng cử thể hiện việc người phạm tội để mặc mọi hậu quả xảy ra.

Cụ thể, người được thuê gây thương tích cho nạn nhân chỉ sử dụng dao nhọn chuẩn bị từ trước, đâm 02 nhát vào mặt sau đùi phải, ngoài ra không gây thương tích ở bất kỳ vị trí nào khác trên cơ thể. Hành vi gây thương tích được thực hiện theo đúng yêu cầu của bị cáo, phù hợp vs các lời khai của bị cáo.

Theo đó, khi xem xét thương tích gây ra cho nạn nhân, về nhận thức thông thường, các thương tích tại vùng tay hay chân là các bộ phận không trọng yếu đối với tính mạng con người, và bị cáo không nhận thức được các thương tích tại các vị trí này có thể làm chết người, mà chỉ cho rằng hành vi sẽ gây tổn hại đến sức khỏe, thân thể của nạn nhân.

Tiếp theo, HĐTP TANDTC đã xem xét vấn đề liệu hậu quả chết người nằm ngoài ý muốn của người phạm tội hay không. Đây là hướng dẫn cụ thể của án lệ về cách đánh giá ý thức chủ quan của người phạm tội liên quan đến hậu quả chết người. Trong tình huống án lệ, sau khi xem xét lời khai của bị cáo và hành vi phạm tội, việc gây thương tích cho nạn nhân dẫn đến hậu quả chết người, là nằm ngoài ý muốn của người phạm tội.

Cụ thể, căn cứ hành vi chỉ đâm 02 nhát vào đùi thì về mặt khách quan khó có thể lường trước được hậu quả chết người có thể xảy ra để từ đó kết luận là người phạm tội không ý thức được hậu quả chết người sẽ xảy ra. Ngoài ra, căn cứ nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân (chết do sốc mất máu cấp không hồi phục) là ngoài ý muốn của người chủ mưu và người thực hiện tội phạm để kết luận người phạm tội không mong muốn hậu quả (chết người) xảy ra.

Như vậy, HĐTP TANDTC đã “bám vào” các yếu tố cần thiết phải có theo quy định tại Điều 9 BLHS 1999 để xác định tội danh giết người hay cố ý gây thương tích.

Vậy Án lệ số 01 đã đưa ra hướng dẫn về cách xác định ý chí chủ quan của người phạm tội cố ý giết người hay cố ý gây thương tích, chúng ta xem xét toàn bộ chứng cứ vụ án để xác định hai vấn đề:

Một là, liệu hành vi phạm tội trên thực tế có cho thấy người phạm tội ý thức được hành vi phạm tội sẽ dẫn đến cái chết (hay thương tích cho người bị hại); và

Hai là, liệu nguyên nhân dẫn đến hậu quả xảy ra có cho thấy người phạm tội mong muốn người bị hại chết (hay bị thương tích) hoặc không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cái chết (hay thương tích) xảy ra đối với người bị hại.

 

* Để hiểu thêm vấn đề này, vui lòng liên hệ đến số hotline 0988873883 của Luật STC để được luật sư tư vấn miễn phí.

Công ty Luật TNHH STC

Văn phòng tại Hà Nội: Tầng 5, Tòa nhà AC, Ngõ 78, Phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Hotline: 0988873883

Email: stclawfirm.vn@gmail.com

Website: https://stclawfirm.com/

Văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh: Landmark 81, Vinhomes Central Park, số 208 Nguyễn Hữu Cảnh và số 720A Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

 

0988873883