Ở bài trước Luật STC đã đưa ra các khái niệm về Quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), các nhóm quyền sở hữu trí tuệ, tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT. Bài này, Luật STC nêu các biện pháp xử lý việc xâm phạm quyền SHTT. Các cá nhân, tổ chức khi phát hiện mình bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể yêu cầu giải quyết bằng các biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.
- Biện pháp hành chính
Khi cá nhân, tổ chức phát hiện mình bị xâm phạm quyền SHTT, cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản trí tuệ yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng văn bản. Nếu bên vi phạm không chấm dứt hành vi xâm phạm, cá nhân tổ chức sở hữu tài sản trí tuệ đó yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính. Căn cứ theo các Điều 211, 214, 215 Luật SHTT 2005, sửa đổi bổ sung 2009.
Trích dẫn Điều 214 tại Luật SHTT 2005, sửa đổi bổ sung 2009 về Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả
- Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại khoản 1 Điều 211 của Luật này bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
- a) Cảnh cáo;
- b) Phạt tiền.
- Tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
- a) Tịch thu hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ;
- b) Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm.
- Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
- a) Buộc tiêu huỷ hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ;
- b) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hoá quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc buộc tái xuất đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ các yếu tố vi phạm trên hàng hoá.
- Mức phạt, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.”
- Biện pháp Dân sự
Căn cứ Điều 200, Luật SHTT 2006, khi phát hiện mình bị xâm phạm quyền SHTT, cá nhân tổ chức yêu cầu Toà án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:
- Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
- Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
- Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
- Buộc bồi thường thiệt hại;
- Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Khi lựa chọn biện pháp dân sự, Cá nhân tổ chức sở hữu tài sản trí tuệ phải tuân thủ các quy định về tố tụng dân sự theo Bộ Luật tố tụng dân sự 2015.
- Biện pháp hình sự
Khi lựa chọn biện pháp hình sự, Cá nhân tổ chức có tài sản trí tuệ lưu ý về việc vi phạm đó có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không, đó là các yếu tố:
- Không được phép của chủ thể sở hữu tài sản trí tuệ
- Thu lợi bất chính từ hành vi xâm phạm quyền SHTT
- Gây thiệt hại cho chủ thể sở hữu tài sản trí tuệ
- Hàng hóa vi phạm có giá trị lớn
Nếu đã xác định được các yếu tố vi phạm, và cho rằng cần khởi tố hình sự, thì cá nhân tổ chức sở hữu tài sản trí tuệ đó tố giác hành vi sai phạm đến cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giải quyết. Căn cứ theo Điều 212 Luật SHTT 2005, Điều 225, 226 Bộ luật hình sự 2015.
Điều 212. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý hình sự
Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.
Điều 225. Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan
- Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
- a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
- b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- a) Có tổ chức;
- b) Phạm tội 02 lần trở lên;
- c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
- d) Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
- Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
- a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
- b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
- c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Điều 226. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
- Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- a) Có tổ chức;
- b) Phạm tội 02 lần trở lên;
- c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
- d) Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
- Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
- a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
- b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
- c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Mọi thắc mắc liên quan, mời Quý Khách liên hệ: Công ty Luật TNHH STC
Văn phòng tại Hà Nội: Tầng 5, Tòa nhà AC, Ngõ 78, Phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Hotline: 0988873883
Email: stclawfirm.vn@gmail.com
Website: https://stclawfirm.com/
Văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh: Landmark 81, Vinhomes Central Park, số 208 Nguyễn Hữu Cảnh và số 720A Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh